1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

PCI-2019: Hưng Yên có tính minh bạch thấp nhất 63 tỉnh thành

(Dân trí) - Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 cho thấy An Giang là địa phương có tính minh bạch cao nhất trong 63 tỉnh, xếp cuối cùng là Hưng Yên.

Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam.

PCI-2019: Hưng Yên có tính minh bạch thấp nhất 63 tỉnh thành - 1

Khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh xếp cuối trong báo cáo PCI-2019 đã thu hẹp. Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh cũng đạt mức cao nhất trong 15 năm qua

Tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019 năm thứ ba liên tiếp là Quảng Ninh (73,40 điểm), kế đến là Đồng Tháp (72,10 điểm), Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm).

Thủ đô Hà Nội chỉ xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng này với 68,80 điểm. Dưới đó là TP Hồ Chí Minh với 67,16 điểm, xếp thứ 14.

Báo cáo đã cho thấy một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực…

Dù vậy, không gian cải thiện vẫn còn rất lớn với chính quyền các địa phương, đó là việc tăng cường minh bạch thông tin đấu thầu, mua sắm công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư…

Đáng chú ý về chỉ số minh bạch của báo cáo PCI-2019, An Giang là tỉnh có điểm số cao nhất trong nhóm chỉ số thành phần này (7,44 điểm). Trong khi đó, Hưng Yên lại là tỉnh có điểm số tính minh bạch thấp nhất.

Dù đã có sự cố gắng cải thiện trong 5 năm gần đây từ 4,88 điểm năm 2015 lên 5,98 năm 2019. Song, vị trí của Hưng Yên trong nhóm chỉ số này chưa được cải thiện nhiều. 

Chỉ số minh bạch là một trong những chỉ số quan trọng được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất. Theo đó, báo cáo PCI-2019 đã chỉ ra, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh” đã giảm từ 53,2% năm 2018 xuống còn 47,1% năm 2019.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu khác như tỷ lệ doanh nghiệp cần có “mối quan hệ” để có được tài liệu của tỉnh, thương lượng về mức thuế và khả năng dự đoán được việc thực thi của chính quyền địa phương đối với pháp luật của Trung ương cần được cải thiện.

Bên cạnh đó, sự chuyển biến trong một vài khía cạnh của chỉ số này lại thiếu ổn định. Báo cáo đã nêu ra một ví dụ cụ thể như, khi yêu cầu cơ quan chính quyền tỉnh, thành phố cung cấp thông tin, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có nhận được thông tin của năm 2019 chỉ là 65%, trong khi đó, năm 2017 và 2018 lần lượt là 71,4% và 68,8%. 

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tiếp cận được thông tin về các hợp đồng mua sớm công tại địa phương thông qua các kênh công khai chỉ là 42,9% năm 2019. Đáng nói, con số này của năm 2018 là 55%.

Điểm sáng trong báo cáo PCI-2019 là việc, các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam. Những cải thiện ấn tượng nhất là trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp FDI cũng cho biết Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế... Các doanh nghiệp FDI cũng mong muốn Việt Nam có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm