Online mua sắm, dân Việt vẫn chuộng dùng tiền mặt

(Dân trí) - Tại Việt Nam, phần lớn người mua sắm sau khi đặt hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt (64%), hình thức thanh toán qua ví điện tử chiếm 37%, và hình thức thanh toán qua ngân hàng chiếm 14%.

Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT và CNTT) – Bộ Công thương, giá trị mua hàng trực tuyến của 1 người trong năm ước tính đạt khoảng 145 USD và doanh số thu từ TMĐT B2C đạt khoảng 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12 % tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. 


Online mua sắm, dân Việt vẫn chuộng dùng tiền mặt
Mặc dù không chiếm ưu thế song số lượng người sử dụng ví điện tử đã tăng từ 8% năm 2013 lên 37% năm 2014

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Theo khảo sát của Cục TMĐT và CNTT với hơn 900 người sử dụng Internet trên phạm vi toàn quốc, có 10% số người tham gia khảo sát cho biết thời lượng sử dụng Internet mỗi ngày là dưới 3 giờ. 36% số người tham gia khảo sát sử dụng Internet từ 3 – 5 giờ mỗi ngày.

Cập nhật thông tin tiếp tục là mục đích sử dụng Internet hàng ngày phổ biến nhất, tăng từ 87% năm 2013 lên 93% năm 2014. Đa số người tham gia khảo sát sử dụng Internet có tham gia các diễn đàn, mạng xã hội (81%), truy cập email (73%), xem phim, nghe nhạc (64%), và nghiên cứu học tập (63%). Đối với các hoạt động như mua bán cá nhân, phần lớn người khảo sát có tần suất hoạt động hàng tháng (36%). 

Kết quả khảo sát của Cục TMĐT và CNTT với người dân có mua sắm trực tuyến năm 2014 cũng cho thấy, 58% số người truy cập Internet đã từng mua hàng trực tuyến. Loại hàng hóa được mua trực tuyến phổ biến nhất là đồ công nghệ và điện tử chiếm 60%, tăng 25% so với năm 2013. Các mặt hàng được người tiêu dùng trực tuyến ưa chuộng khác là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (60%), sau đó đến đồ gia dụng (34%), sách và văn phòng phẩm (31%)…

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 71% người tham gia khảo sát đã mua hàng trực tuyến thông qua website bán hàng hóa/ dịch vụ, tăng 10% so với năm 2013. Số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến cũng tăng từ 45% năm 2013 lên 53% năm 2014. Trong khi đó, số người mua qua các website mua hàng theo nhóm giảm mạnh từ 51% năm 2013 xuống còn 35% năm 2014. 25% đối tượng cho biết có mua hàng qua các sàn giao dịch TMĐT và 13% qua ứng dụng mobile trong năm 2014.

Tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán chủ yếu trong các giao dịch mua bán trực tuyến, chiếm 64%, giảm 10% so với năm 2013. Hình thức chuyển khoản qua ngân hàng cũng giảm từ 41% năm 2013 xuống còn 14% năm 2014. Thay vào đó, số lượng người sử dụng ví điện tử lại tăng từ 8% năm 2013 lên 37% năm 2014.

Giá trị sản phẩm người mua hàng chọn mua nhiều nhất là mức từ 1 đến 3 triệu đồng, chiếm 29%. Theo sau là mức trên 5 triệu đồng với 26% người chọn mua, và mức được ít người chọn mua nhất là từ 3 đến 5 triệu đồng với 11%.

Khảo sát cũng cho thấy uy tín của người bán hay website bán hàng chính là yếu tố người mua sắm trực tuyến quan tâm nhất, 740 người đã lựa chọn yếu tố này, tương ứng với tỷ lệ 81%. Yếu tố giá cả cũng được tới 80% người mua quan tâm, theo sau là cách thức đặt hàng, thanh toán và giao nhận hàng hóa (68%), và thương hiệu của sản phẩm, dịch vụ (64%).

Năm 2014, vấn đề sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo tiếp tục là trở ngại hàng đầu trong mua sắm trực tuyến (81%). Tiếp đến là trở ngại về dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu (51%), giá cả không thấp so với mua trực tiếp/không rõ ràng (46%), thông tin cá nhân bị tiết lộ (42%), và website thiết kế chưa chuyên nghiệp (29%).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, lý do khiến người dân chưa tham gia mua sắm trực tuyến bao gồm: khó kiểm định chất lượng hàng hóa (78%), không tin tưởng người bán hàng (57%), không có đủ thông tin để ra quyết định (46%), không có thẻ tín dụng hoặc các loại thẻ thanh toán qua mạng (42%), cảm thấy mua ở cửa hàng dễ dàng và nhanh hơn (38%), cách thức mua hàng trực tuyến quá rắc rối (26%). 

Tuy vậy, 97% số người tham gia khảo sát cho biết vẫn tiếp tục sử dụng hình thức mua hàng qua mạng trong tương lai, tỷ lệ này đã tăng đáng kể so với con số 88% của năm 2013.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”