Ông Phạm Nhật Vượng phát triển an ninh mạng; “Nhân tố bí ẩn” tại Vinaconex “gây sốt”

(Dân trí) - Trong không khí “đại hạ giá” của sự kiện “Black Friday”, phần lớn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, cổ phiếu VCG của Vinaconex vẫn tăng trần mạnh mẽ, còn cổ phiếu VIC của Vingroup vẫn duy trì được “sắc xanh”.

Với sắc đỏ bao trùm thị trường trong ngày “Thứ Sáu đen” (Black Friday), dường như cũng đang có một đợt “big sale off” (đại hạ giá) trên thị trường chứng khoán sáng nay. Có tới 156 mã giảm giá trên sàn HSX, bỏ xa số mã tăng (94 mã) khiến VN-Index đánh rơi 1,18 điểm tương ứng 0,13% còn 923,24 điểm.

HNX-Index tuy tăng giá 0,21 điểm tương ứng 0,2% lên 104,77 điểm tuy nhiên, đây chỉ là “xanh vỏ đỏ lòng” khi mà số mã giảm trên sàn HNX vẫn lấn át số mã tăng. Sàn này sáng nay có 63 mã giảm so với 49 mã tăng giá.

Điều đáng nói là mặc dù nhiều mã cổ phiếu đang sụt giá nhưng dòng tiền vào thị trường vẫn rất thận trọng. Thanh khoản “mất hút” trên cả hai sàn. Tổng cộng chỉ có 62,71 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trên HSX tương ứng 1.456,08 tỷ đồng; trên HNX là 24,29 triệu cổ phiếu (tương đương 378,93 tỷ đồng). Thậm chí, theo thống kê, có tới 907 mã cổ phiếu không hề xảy ra giao dịch nào.

Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục gây bất ngờ với việc gia nhập lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục gây bất ngờ với việc gia nhập lĩnh vực công nghệ thông tin.

VIC tăng nhẹ và vẫn là một trong những mã có tác động lớn đến thị trường. Phiên này, cổ phiếu này chỉ tăng 300 đồng lên 98.300 đồng và đang áp sát mốc 100.000 đồng. Tuy có mức tăng khiêm tốn song cho đến trưa nay thì VIC vẫn đang duy trì được chuỗi tăng 5 phiên liên tục.

Động thái mới nhất từ Vingroup đó là việc ra nghị quyết thành lập cùng lúc 4 công ty con với tổng số vốn 390 tỷ đồng. Trong đó, có 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và do Vingroup sở hữu 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VINCSS có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là nghiên cứu, phát triển an ninh mạng. Công ty TNHH Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ VinConnect vốn điều lệ 300 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin. Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh phần mềm HMS có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó sản xuất phần mềm là hoạt động kinh doanh chính.

Ngoài ra, trên thị trường sáng nay, PLX có đóng góp mạnh mẽ nhất cho VN-Index với 0,48 điểm. PLX tăng 1.200 đồng tương ứng 2,1% lên 59.200 đồng.

Cổ phiếu VCG của Vinaconex cũng tăng trần 1.800 đồng lên 20.300 đồng. Hiện tại mã này đang có dư mua trần hơn 600 nghìn cổ phiếu, không hề có dư bán. Khối lượng giao dịch đạt 7,29 triệu cổ phiếu.

Như vậy, sau phiên đấu giá thành công của cả Viettel và SCIC trong chiều qua, giá cổ phiếu VCG đã được hỗ trợ đáng kể. Đây cũng là phiên tăng mạnh mẽ nhất của cổ phiếu này trong suốt thời gian dài giao dịch lình xình vừa qua.

Hiện tại, công chúng đang bày tỏ sự quan tâm đến hai nhà đầu tư đã chiến thắng trong hai phiên đấu giá chiều qua, đặc biệt là “nhân tố bí ẩn” – gương mặt đại gia mới toanh: ông Nguyễn Xuân Đông, ông chủ Công ty An Quý Hưng, người đã hào phóng chi trả tới gần 7.367 tỷ đồng để sở hữu 57,71% cổ phần Vinaconex.

Đưa ra đánh giá về thị trường, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, trong một số phiên gần đây, VN-Index bắt đầu dao động với biên độ dần thu hẹp lại với thanh khoản không cao nhưng duy trì ổn định. Mặc dù vậy, theo công ty này, sẽ cần thêm những thông tin hỗ trợ tích cực nữa trước khi có thể kỳ vọng vào một nhịp hồi phục trên thị trường trong ngắn hạn.

VCBS thiên về kịch bản chỉ số vẫn sẽ tiếp tục diễn biến như hiện tại trong những phiên sắp tới và khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng sự vận động của dòng tiền để “lướt sóng” ngắn hạn, nhưng cần tuân thủ kỷ luật đầu tư và quản trị tỉ lệ đòn bẩy ở mức hợp lý để đảm bảo an toàn cho danh mục trong trường hợp thị trường diễn biến ngược với kỳ vọng.

Mai Chi

Ông Phạm Nhật Vượng phát triển an ninh mạng; “Nhân tố bí ẩn” tại Vinaconex “gây sốt” - 2