1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ông Nguyễn Xuân Thành: Kinh tế sẽ phục hồi trong 2021 khi đủ hai điều kiện

(Dân trí) - 2 điều kiện được chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành đề cập tới đó là khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thế giới có vắc xin và hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn trụ vững dù nợ xấu có gia tăng.

Đâu là những cứu cánh nền kinh tế?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2020 cũng như nhiều nền kinh tế khác, chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19.

Ông Thành cho rằng, dù Việt Nam đã kiểm soát dịch rất tốt nhưng vẫn khó tránh các tác động. Đặc biệt với làn sóng Covid-19 thứ 2 xuất hiện hồi tháng 7, tăng trưởng kinh tế Việt Nam lạc quan nhất cũng chỉ 2% thay vì 3-4% như dự báo trước đó.

Ông Nguyễn Xuân Thành: Kinh tế sẽ phục hồi trong 2021 khi đủ hai điều kiện - 1
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, với làn sóng Covid-19 thứ 2 xuất hiện hồi tháng 7, tăng trưởng kinh tế Việt Nam lạc quan nhất cũng chỉ 2% thay vì 3-4% như dự báo trước đó.

Nhận định về thời gian phục hồi, ông Thành cho rằng sẽ vẫn có những khó khăn trong quý 3 và 4. Khả năng phục hồi có thể ở trong năm 2021. Thậm chí một cách lạc quan, từ quý 2/2021 sẽ phục hồi.

Tuy nhiên ông Thành nhấn mạnh đến 2 điều kiện quan trọng, đó là khi đại dịch được kiểm soát, có vắc xin và thứ hai là dù doanh nghiệp có phá sản nhiều hơn, nợ xấu tăng cao nhưng hệ thống ngân hàng vẫn trụ vững.

“Nhờ phản ứng chính sách khá tích cực ở hầu hết các nước trong thời gian qua, năm 2021 sẽ có hồi phục, nhưng không có nghĩa nó sẽ tốt đẹp trở lại bình thường bởi vấn đề doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp vẫn ở đó”, ông Thành nói.

Đáng lưu ý theo vị chuyên gia này, trên nền tảng ổn định vĩ mô, kiểm soát dịch tốt. khả năng 2021 là có thể phục hồi. Nhưng nếu rủi ro không kiểm soát được thì sẽ phải mất rất nhiều năm sau để làm được việc này.

Phân tích về bối cảnh kinh tế hiện nay, ông Thành cho biết, ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương trong quý 2 thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu quý 1 đã xấu, quý 2 lại càng xấu hơn. Điều này ảnh hưởng đến kinh tế đối ngoại ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu.

Tuy nhiên điểm đáng mừng là dù xuất khẩu có giảm tại một thị trường lớn nhưng nó lại được bù lại khi xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc tăng cao. Đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong bức tranh tổng thể còn u ám vì Covid-19.

Điểm sáng thứ hai theo ông Thành, đến thời điểm này, khác với những lần khủng hoảng trước, ổn định vĩ mô vẫn được duy trì. Mặc dù nợ xấu ngân hàng sẽ tăng, lạm phát sau khi giảm liên tục trong tháng 6 có tăng nhưng chỉ số giá vẫn giảm so với cuối năm 2019.

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực đang giảm. Trong đó, du lịch, nhà hàng, khách sạn và vận tải là những ngành dịch vụ bị suy giảm mạnh. Ngoài ra, ở phía cầu của nền kinh tế trong năm 2020, dù kiểm soát khá tốt Covid-19, các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn nhưng sức mua vẫn yếu.

“Cho đến bây giờ, sức mua mới bị gián đoạn vòng 1 vì giãn cách xã hội người dân không có cơ hội mua sắm. Đến quý 3 sẽ là thời điểm sức mua thị tường bị sụt giảm do thu nhập của người lao động giảm. Sức mua giảm này sẽ kéo dài đến quý 1/2021”, ông Thành nói.

Về giải ngân vốn đầu tư công, đây là một ưu tiên chính sách của Nhà nước trong thời điểm này. Ông Thành cho biết, đầu tư từ ngân sách dự kiến tăng khoảng 20%, sẽ giúp một phần để GDP có thể đạt mức 2%.
“Xuất khẩu và đầu tư công sẽ bù đắp tăng trưởng”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói về hai “cứu cánh” nền kinh tế.

Nhiều nền kinh tế bơm tiền rất mạnh, Việt Nam khiêm tốn hơn

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, trong bối cảnh các nền kinh tế bị tác động rất lớn từ Covid-19, việc chủ động bơm tiền từ chính sách tiền tệ, tăng chi ngân sách và giảm thu tài khoá là cách trước mắt để cứu người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn về trung và dài hạn thì việc bơm tiền mạnh có thể sẽ có những rủi ro. Nhưng nói rủi ro ở đây không có nghĩa là hoàn toàn xấu. Đây là vấn đề cơ hội.

Ông Thành nhấn mạnh, ở đây là câu chuyện phản ánh ứng chính sách. Hầu hết các nước khác đều bơm mạnh tiền ra nền kinh tế. Sự mạnh mẽ diễn ra cả ở tài khoá, hầu hết các nước đều giảm thuế và tăng chi.

Trong khi đó, Việt Nam khiêm tốn hơn trong việc đưa ra các gói hỗ trợ. Chúng ta đặt ưu tiên ổn định vĩ mô bởi bài học về kích cầu trong giai đoạn khủng hoảng trước vẫn còn đó.

“Vấn đề ưu tiên trước vẫn là ổn định vĩ mô. Nếu như có dấu hiệu suy thoái, tức là tăng trưởng âm thì nhà nước sẽ mạnh tay, còn tình hình vẫn duy trì được sự tăng trưởng sẽ không mạnh tay cho các gói hỗ trợ”, ông Thành nhận định.

Theo ông Thành, nếu là nhà đầu tư, ông sẽ nhìn vào sức khoẻ hệ thống tài chính mà ở Việt Nam đó là các ngân hàng thương mại. Tình trạng liệu có làm có ngân hàng xấu đi không. Nếu như những ngân hàng thương mại vẫn đứng vững thì các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản vẫn khả quan.

Các cuộc khủng hoảng trước đây để lại hậu quả rất nặng nề nguyên nhân là do sự yếu kém dồn lại trong hệ thống tài chính. Như ở Việt Nam, ông Thành cho rằng, Chính phủ không thể cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp tồn tại nhưng cách Chính phủ làm là hỗ trợ đó là duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Cách cứu nền kinh tế của chúng ta là trụ vững hệ thống tài chính. Nếu như làm được, khả năng phục hồi là có thể.