Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Việt Nam là nơi "trú ẩn" ưa thích của nhiều nhà đầu tư, sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: Trong tháng 7, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 chỉ tăng 0,4% và giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số CPI vẫn tăng 4,07% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020 - 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tại cuộc họp báo

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua với điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước. Chúng ta đã tìm một số thị trường mới, tăng lên về khối lượng. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%.

Hoạt động vận tải trong nước sôi động trở lại với mức tăng 7,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tuy nhiên, vận tải ngoài nước của các hãng hàng không tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Một điểm sáng được nhấn mạnh là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cải thiện, 7 tháng đầu năm đạt 18,8 tỷ USD, giảm hơn so với cùng kỳ nhưng tháng 7 đạt 10,1 tỷ USD, cho thấy  xu hướng phục hồi và Việt Nam đang tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020 - 2
Họp báo Chính phủ chiều 3/8

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trên thế giới đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, tiếp tục lây lan với tốc độ cao. Kinh tế và thương mại toàn cầu thời gian tới được dự báo không mấy khả quan, rơi vào suy thoái.

“Các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng 2,8% và lên 6,8% trong năm 2021. Tạp chí The Economist nhận định Việt Nam là nơi trú ẩn ưa thích của nhiều nhà đầu tư thế giới, đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu” - ông Mai Tiến Dũng cho biết và thông tin mới làm việc với nhiều nhà đầu tư lớn của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là chống dịch như chống giặc.

Thủ tướng Chính phủ thành lập 7 Đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu trực tiếp tới các địa phương, bộ, ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) tại các bộ, cơ quan, địa phương.