"Ông lớn" Vinaconex: Mục tiêu doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng, bán cho nước ngoài lên 49%

(Dân trí) - Về kế hoạch năm 2019, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 10.100 tỷ đồng và 743 tỷ đồng. Đồng thời, muốn nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinaconex lên 49% trong thời gian tới.

Ông lớn Vinaconex: Mục tiêu doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng, bán cho nước ngoài lên 49% - 1

Vinaconex muốn nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 49%.

Sáng nay (28/6), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Báo cáo tại đại hội, Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc cho biết, năm tổng doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 10.084 tỷ đồng, bằng 84,4 % tổng doanh thu năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 639 tỷ đồng, bằng 39,2% lợi nhuận sau thuế năm 2017.

“Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018 về doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với thực hiện năm 2017 là do năm 2017, Tổng công ty có khoản thu nhập lớn bất thường từ việc thoái vốn 100% vốn góp tại Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex”, báo cáo nêu.

Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Vinaconex thừa nhận có nhiều khó khăn trong triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhưng nhìn chung hoạt động trên toàn hệ thống tương đối ổn định. Tổng công ty có 4 đơn vị thành viên đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng; 5 đơn vị có lợi nhuận trên 50% so với kế hoạch. Các công trình, dự án đều đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, được chủ đầu tư đánh giá cao

Riêng Công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 70% nhưng lợi nhuận sau thuế đã đạt 120% so với kế hoạch đã được Đại hội cổ đông năm 2018 thông qua. Trong đó, tổng doanh thu không đạt kế hoạch nguyên nhân chính là hoạt động xây lắp đạt thấp (59,1% kế hoạch) do các dự án của chủ đầu tư triển khai chậm (vướng mắc ở thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư), trong đó có cả các dự án đầu tư của Tổng công ty như: Dự án 93 Láng Hạ, khu đô thị mới Bắc An Khánh…

Về hoạt động kinh doanh bất động sản, năm 2018 công ty đã ghi nhận một phần doanh thu từ dự án chung cư 2B Vinata, dự án chung cư Bohemia, BT5 An Khánh – khu đô thị Spledora. Bên cạnh các dự án đã đi vào kinh doanh năm 2018 Công ty cũng giải phóng mặt bằng thành công Dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ, tìm nhà đầu tư cho dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, làm việc với UBND Hải Phòng hủy quyết định thu hồi dự á Cát Bà Amatina.

Về kế hoạch năm 2019, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 10.100 tỷ đồng và 743 tỷ đồng; bằng 100,2% và 116% so với thực hiện năm 2018. Công ty mẹ dự kiến doanh thu 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng. Trong năm 2019, tiếp tục bán hàng tại các dự á Bohemia 25 Nguyễn Huy Tưởng, 97-99 Láng Hạ, triển khai đầu tư dự án 93 Láng Hạ.

Cùng với đó, Vinaconex sẽ tăng tốc đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc, tiếp tục xây dựng khu đô thị mới Splendora, triển khai dự án khu đô thị tại thành phố Móng Cái – Quảng Ninh, triển khai dự án Cát Bà Amaina tại Hải Phòng.

Bên cạnh đó, Vinaconex sẽ đầu tư dự án khu đô thị Thiên Ân, Khu dân cư Ngân Câu, Dự án Việt khớp nối Đông Á (Vinaconex 25). Cùng với đó, Công ty sẽ xin đầu tư văn phòng kết hợp chung cư tại 442 Lê Hồng Phong – Nha Trang, nhà kho cho thuê tại Hòn Dung – Nha Trang, phát triển dự án khu đô thị Đồi Chè, Cao Xanh tại Quảng Ninh và các khu đô thị khác tại Hòn Dung – Nha Trang.

Tại ĐHCĐ, Hội đồng quản trị đã trình cổ đông tờ trình thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của Tổng công ty Vinaconex. Cụ thể, trong số 26 ngành nghề đăng ký kinh doanh của Vinaconex có 3 ngành nghề giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 0%. Theo đó, hiện nay tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VCG đang là 0%.

Với mục tiêu đa dạng hóa hình thức sở hữu tại VCG, cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần VCG một cách hợp pháp thông qua việc nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên đến 49% vốn điều lệ VCG theo hướng loại bỏ và sửa đổi các ngành nghề, lĩnh vực bị hạn chế sở hữu nước ngoài.

Riêng về tương lai dự án Splendora vốn nhận được nhiều quan tâm của dư luận, ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT nói: "Đây là dự án tốt nhất Việt Nam, cạnh chúng ta Vingroup bán hàng trăm triệu đồng trên mỗi m2 biệt thự. 70ha bán rẻ chúng ta cũng được 4.000-5.000 tỷ đồng. Tại dự án này, Sovico muốn mua lại chúng tôi xin ý kiến cổ đông nếu được giá sẽ bán".

Còn theo ông Nguyễn Quang Trung – Thành viên HĐQT, Splendora có 200ha, trong đó 50 ha là đất ở có cao tầng và thấp tầng, 20 ha đất dịch vụ trường học. "Dự án rất gian nan, muốn bán được chúng tôi phải làm hạ tầng, tăng vốn. Nếu tăng vốn mỗi bên phải được 1.000 -1.500 tỷ đồng. Chúng tôi cần hai cổ đông ngồi vào với nhau cần tiếng nói chung vì sổ đỏ chưa có, phải đi vay ngân hàng", ông Trung nhấn mạnh.

Phương Dung