1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Ông lớn" Vinachem ước lỗ hơn nghìn tỷ đồng trong nửa năm 2020

(Dân trí) - Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam - doanh nghiệp có 4 dự án nghìn tỷ yếu kém trong 6 tháng đầu năm 2020 ước lỗ 1.025 tỷ đồng.

“Ông lớn Vinachem ước lỗ hơn nghìn tỷ đồng trong nửa năm 2020 - 1

4 đơn vị thuộc Đề án 1468 (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 - Hải Phòng, DAP số 2 - Lào Cai) ước lỗ 1.907 tỷ đồng, tăng lỗ 1.326 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.

Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác quý 3/2020.

Báo cáo cho biết, doanh thu quý 2 Vinachem ước đạt 10.432 tỷ đồng, bằng 91% so với kế hoạch quý; lũy kế 6 tháng ước đạt 19.971 tỷ đồng, bằng 43,4% kế hoạch năm.

Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn quý 2 ước lỗ 442 tỷ đồng; 6 tháng 2020 ước lỗ 1.025 tỷ đồng.

Trong đó, riêng 4 đơn vị thuộc Đề án 1468 (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 - Hải Phòng, DAP số 2 - Lào Cai) ước lỗ 1.907 tỷ đồng, tăng lỗ 1.326 tỷ đồng; các đơn vị còn lại lãi 882 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019.

Sang quý 3, lãnh đạo Vinachem đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh với các chỉ tiêu chủ yếu sau: Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 9.622 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 28.065 tỷ đồng; Doanh thu đạt 10.210 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 30.181 tỷ đồng; Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn dự kiến quý 3 lỗ 546 tỷ đồng.

Trong đó các đơn vị thuộc Đề án 1468 lỗ khoảng 930 tỷ đồng, các đơn vị còn lại lãi 384 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng các đơn vị còn lại lãi 1.266 tỷ đồng (tăng lãi 157 tỷ, tương đương tăng 14% so với 9 tháng năm 2019).

Để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh quý 3 và năm 2020, Vinachem đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước báo cáo Chính phủ, Quốc hội có ý kiến với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, tích cực hỗ trợ giải quyết một số các nội dung.

Trong đó có việc đưa ra một số kiến nghị liên quan đến khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại cho các Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai. Cụ thể như cơ cấu kéo dài thời hạn vay; không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả; điều chỉnh lãi suất tiền vay; được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; có giải pháp đặc thù về xếp nhóm nợ; tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động.

Nguyễn Mạnh