Ông chủ Thế Giới Di Động: Sẵn sàng bán giá rẻ

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng khách hàng bỏ ra 30 triệu đồng để mua điện thoại mà phải trả đắt hơn 2 triệu đồng so với các chuỗi đối thủ khác là không phù hợp.

Doanh thu tháng 10 tăng trưởng dương nhưng quý IV cũng khó bùng nổ

Chiều nay (13/11), Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) tổ chức buổi họp trực tuyến cùng cổ đông và nhà đầu tư, cập nhật tình hình kinh doanh.

Theo công bố của công ty, doanh thu tháng 10 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, là tháng đầu tiên trong năm nay có doanh thu theo tháng tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, 2 chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) ghi nhận doanh thu khoảng 7.600 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với tháng trước. Chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) vượt mức 3.000 tỷ đồng doanh thu, cũng tăng 5%, tương ứng trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 1,7 tỷ đồng.

Các hệ thống khác như chuỗi cửa hàng thuốc, bán đồ trẻ em cũng tăng trưởng doanh thu nhiều tháng liên tiếp. Các cửa hàng bán đồ điện máy tại Indonesia hoạt động tròn tháng có doanh thu bình quân khoảng 4 tỷ đồng/tháng, đã hòa vốn EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) ở cấp độ cửa hàng.

Ông chủ Thế Giới Di Động: Sẵn sàng bán giá rẻ - 1

Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng kết quả kinh doanh quý IV sẽ tăng trưởng (Ảnh: MWG).

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT - cho rằng kết quả kinh doanh quý IV sẽ khá hơn quý III do có tính mùa vụ (mùa Noel, Tết dương, Tết âm). Tuy nhiên, tính mùa vụ này sẽ có khác biệt so với các năm trước, không thể "bùng nổ" như mọi năm, do còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng giám đốc Công ty TGDĐ (điều hành 2 chuỗi TGDĐ và ĐMX) - nói rõ hơn, quý IV sẽ không tăng hoặc tăng ít hơn cùng kỳ các năm trước do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Thị trường chung về điện thoại, điện máy đã giảm sức mua khoảng 25%, việc phục hồi tùy thuộc vào kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.

Cũng theo ông Hiểu Em, chiến lược "giá rẻ" giúp TGDĐ và ĐMX khôi phục được 85% doanh thu trong 9 tháng. Thị phần tăng 5% đến 25% tùy nhóm hàng. Tuy nhiên thời gian tới, công ty sẽ có điều chỉnh cần thiết về giá bán nhưng vẫn đảm bảo về khả năng cạnh tranh so với thị trường. Vị lãnh đạo này cũng tin rằng kết quả kinh doanh của tập đoàn sẽ được cải thiện nhiều trong quý IV.

Thà bán rẻ để tăng doanh thu hơn là bán đắt để tăng tỷ lệ biên lợi nhuận gộp

Trong quý III, tỷ suất biên lợi nhuận gộp (chênh lệch giữa doanh thu và giá vốn hàng bán chia cho doanh thu) của tập đoàn có dấu hiệu giảm, còn 15,3% so với mức 23% cùng kỳ năm ngoái và 18,5% trong quý trước. Ông Tài thừa nhận điều này, nhưng cho rằng điều đó là phù hợp trong bối cảnh sức mua giảm hiện nay.

Chủ tịch TGDĐ nói khi thị trường khó khăn, khách hàng bỏ ra 30 triệu đồng để mua điện thoại mà phải trả đắt hơn 2 triệu đồng để mua tại TGDĐ thì điều đó không phù hợp. Chiến lược cạnh tranh giá giúp TGDĐ không bán hàng đắt hơn so với đối thủ. Điều này giúp doanh thu các mặt hàng công nghệ (ICT) tại TGDĐ đã tăng trở lại trong lần lượt các quý I, II và III.

Đồng thời, theo ông Tài, khoảng cách doanh thu ICT tại TGDĐ và đối thủ đã được rút ngắn lại. Khách hàng đã được thu hút trở lại TGDĐ và doanh số tăng lên. Tuy nhiên, "tác dụng phụ" của chiến lược "giá rẻ" là biên lợi nhuận gộp bị sụt giảm.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, ông Tài cho rằng tập đoàn xác định thà bán rẻ để tăng doanh thu hơn là bán đắt để tăng tỷ lệ biên lợi nhuận gộp. Bởi khi lợi nhuận gộp (doanh thu trừ giá vốn) tuyệt đối tăng lên thì sau khi trả đi các loại chi phí, công ty vẫn còn lời. Do đó, tập đoàn có thể bán rẻ để tăng doanh số thì sẵn sàng làm. Doanh số "khủng" đi kèm thị phần "khủng", lãi gộp từ đó sẽ tăng, công ty có cơ hội có lời.

Nói về triển vọng tăng trưởng trong 5 năm tới, ông cho biết chuỗi BHX (đang trong giai đoạn tăng trưởng) sẽ được tiếp tục thúc đẩy mở rộng cửa hàng, tăng doanh thu. Với chuỗi TGDĐ và ĐMX, công ty sẽ nỗ lực duy trì doanh thu dù thị trường có thể đi xuống hoặc đi ngang. Sứ mệnh của 2 chuỗi này là tăng trưởng lợi nhuận, duy trì doanh thu.

Ông Tài cũng tiết lộ từ cuối năm nay, các cửa hàng TGDĐ nếu hoạt động không hiệu quả có thể sẽ được đóng lại. Lãnh đạo tập đoàn cho rằng điều này là cần thiết nhằm cắt giảm chi phí, tính toán hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế chưa có nhiều biến chuyển mới.