“Ô tô công dư thừa, vẫn cố mua bằng được vì…trong dự toán!”

(Dân trí) - Trước tình trạng số lượng ô tô công dôi dư lên tới 2.300 chiếc nhưng nhiều đơn vị vẫn mua thêm, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng bên cạnh tình trạng lạm dụng ngân sách mua sắm tài sản công còn do ý thức tiết kiệm kém, có trường hợp dù không có nhu cầu nhưng các đơn vị vẫn cố mua bằng được vì đã nằm trong dự toán chi.

Hôm qua (22/5), thay mặt Chính phủ báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS), các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xử lý các hình thức kỷ luật đối với 402 tổ chức (chiếm 90,54% tổng số kiến nghị) và 748 cá nhân (chiếm 92,69% tổng số kiến nghị), số còn lại đang xem xét, xử lý theo chế độ quy định.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị phải có hình thức kỷ luật thích đáng với những sai phạm trong vấn đề tài chính ngân sách (ảnh: BD)
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị phải có hình thức kỷ luật thích đáng với những sai phạm trong vấn đề tài chính ngân sách (ảnh: BD)

Sáng nay (23/5), phóng viên Dân Trí đã có cuộc phỏng vấn riêng với với đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực UBTCNS của Quốc hội về vấn đề này:

Thưa ông, sau khi Chính phủ báo cáo về việc đã xử lý kỷ luật với hơn 400 tổ chức và gần 750 cá nhân do các sai phạm về tài chính ngân sách, ông có đánh giá như thế nào về những con số trên?

- Đây là những con số mà Chính phủ thực hiện theo kiến nghị của UBTCNS rồi đưa vào báo cáo chính thức.

Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ lại không nêu con số cụ thể là mức độ sai phạm như thế nào, hình thức xử lý ra sao nên chúng tôi có yêu cầu Chính phủ phải giải trình rõ những nội dung đó, có thống kê con số cụ thể. Từ đó mới thấy được rằng, kỷ luật tài chính phải gắn liền với kỷ cương phép nước.

Sai phạm về kỷ luật tài chính dẫn đến sai phạm về pháp luật hành chính, sai phạm về pháp luật hình sự. Do đó, phải có hình thức xử lý thích đáng mới có thể chấn chỉnh được hoạt động thu - chi NSNN như hiện nay.

Một con số đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ đó là tình trạng lạm chi ngân sách năm 2015 hơn 7.100 tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào sau nhiều năm nỗ lực kiểm soát bội chi thông qua kiểm soát, tiết kiệm chi tiêu ngân sách song cán cân NSNN vẫn rất khó khăn?

- Trong báo cáo kiểm toán và báo cáo của UBTCNS cũng đã nêu về nội dung này. Rõ ràng, tình trạng đó đã diễn ra nhiều năm chưa được khắc phục. Nên, phải trở lại với câu chuyện kỷ luật tài chính: Chúng ta xử lý chưa nghiêm và chưa gắn với xử lý vi phạm pháp luật.

Sai phạm trong kỷ luật tài chính chính là một biểu hiện của vi phạm pháp luật. Tôi cho rằng, vi phạm ở mức độ nào và bị xử lý như thế nào thì cần phải được minh bạch mới có tính răn đe đối với các tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa rồi có đề cập đến tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị vẫn sắm sửa thêm ô tô công trong khi số lượng ô tô công dôi dư đến 2.300 chiếc. Ông nhìn nhận ra sao về ý thức chấp hành kỷ luật tài chính ngân sách trong mua sắm, sử dụng tài sản Nhà nước hiện nay?

- Ở đây liên quan đến ý thức của người thực thi công vụ. Việc lạm dụng ngân sách để mua tài sản là có thật trong thực tế.

Tuy nhiên, ở đây cũng có tình huống là người ta đã đưa vào dự toán và khi thực hiện dự toán đó thì họ mua bằng được. Trong khi đó, thực tiễn có thể thay đổi và nhu cầu cũng có thể thay đổi, nếu họ ý thức được vấn đề tiết kiệm thì họ sẽ tự giác không mua sắm nữa để tiết kiệm cho NSNN.

Nhưng vì ý thức chưa cao, chưa có tinh thần tiết kiệm nên dẫn đến, cho dù tình huống đã thay đổi, nhu cầu đã thay đổi nhưng khi đưa vào kế hoạch thì vẫn thực hiện.

Như vậy, đây là câu chuyện về ý thức thực thi, vì họ vẫn làm theo đúng dự toán. Vậy để xử lý thì theo ông cần có giải pháp nào?

- Theo tôi có hai giải pháp:

Một là, phải cho kiểm toán luôn từ khâu dự toán để từ đó xác định nhu cầu chi của các tổ chức đơn vị trước khi quyết định xây dựng dự toán.

Hai là, có thể trong quá trình điều hành ngân sách, thấy rằng nhu cầu đã thay đổi, tình huống đã thay đổi rồi thì có thể điều chỉnh dự toán chi.

Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng lãng phí và thực hành tiết kiệm theo đúng theo Luật về thực hành tiết kiệm.

Xin cảm ơn ông về những trao đổi!

Bích Diệp (thực hiện)