Ở lại Hà Nội làm thêm 4 ngày lễ, sinh viên bỏ túi vài triệu đồng

(Dân trí) - Vì nhiều lý do mà các bạn trẻ, nhất là sinh viên không về quê nghỉ lễ để ở lại Hà Nội làm thêm. Theo đó, có sinh viên chăm chỉ thu vài triệu đồng chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ.

Giao hàng kiếm 2 triệu đồng/4 ngày nghỉ

Do đã xin nghỉ về quê dự đám cưới ngay trước dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nên Nguyễn Mạnh Cường, sinh viên năm cuối đang theo học tại Hà Nội phải làm bù vào 4 ngày lễ. Tuy nhiên, cậu bạn trẻ này khá hào hứng với công việc vì được nhân đôi lương cứng.

Vào những ngày bình thường, 1 ca 6 tiếng Cường đi giao bánh mì cho cửa hàng thường được khoảng 18 đơn. Còn vào ngày nghỉ lễ công việc nhàn hơn do khách đi chơi hết nên ít gọi bánh, số đơn chỉ còn khoảng hơn 12-15 đơn.

Với mỗi đơn hàng có giá trị trên 30.000 đồng, nhân viên giao hàng sẽ được 5.000 đồng/đơn. Nếu khách ở ngoài khu vực được miễn phí vận chuyển (5 km) thì Cường sẽ được thêm khoảng 20.000 - 30.000 đồng.


Giao hàng kiếm 2 triệu đồng/4 ngày nghỉ

Giao hàng kiếm 2 triệu đồng/4 ngày nghỉ

Tuy nhiên, những đơn xa như thế không có nhiều vì hệ thống cửa hàng phân phối khá đều nên khách có thể lựa chọn nơi gần mình nhất để gọi. Cường cho hay: “Hưởng tiền đơn dịp nghỉ lễ này ít hơn ngày thường, nhưng mỗi ca vẫn được khoảng 70.000 đồng, cộng thêm tiền đơn xa là tròn 100.000 đồng”.

“Nhưng, động lực chính vẫn là việc được nhân đôi lương cứng. Ngày thường, mỗi ca 6 tiếng mình làm được khoảng 150.000 đồng. Dịp nghỉ lễ này mình làm 3 ca 6 tiếng và 1 ca 12 tiếng, như vậy tính ra là 5 ca 6 tiếng, sau khi nhân đôi sẽ được 1.500.000 đồng. Cộng thêm tiền đơn mỗi ca 100.000 đồng thì 4 ngày nghỉ việc kiếm được 2 triệu đồng là không khó”, Cường cho biết thêm.

“Chưa kể, tiền xăng hàng tháng đều được cửa hàng phụ cấp cho 500.000 đồng. Nên việc ở lại làm thêm ngày lễ này có thể giúp mình trang trải 1 phần học phí hoặc mình mua sắm thêm 1 ít đồ dùng cá nhân”, Cường nói.

Làm PG cũng cho thu nhập hơn 2 triệu đồng dịp nghỉ lễ

Ngày nghỉ lễ, hầu hết sinh viên đều về quê nên lượng PG cho các chương trình, sự kiện thiếu hụt trầm trọng. Cũng vì thế mà lương cho mỗi PG cũng được tăng lên 50.000 – 100.000 đồng/ca so với ngày thường.

Vương Thùy Linh, sinh viên năm cuối đang học tại Hà Nội cho hay: “Ngày thường đa phần vẫn là do người quen gọi đi làm, chứ đăng ký ảnh qua mạng thì rất khó có việc. Nhưng vào ngày lễ có tới cả chục chương trình, công việc được đăng lên các nhóm tuyển trên Facebook rất nhiều, chỉ cần đăng ký tên tuổi chiều cao và ảnh là có việc ngay. Thậm chí, có những chương trình thiếu tới mức không đủ chiều cao thì có thể đi thêm guốc, nhưng vẫn yêu cầu gương mặt ưa nhìn 1 chút”.

“Thời gian đầu mới đi làm, cả tháng em mới có 2 - 3 việc, nhưng bây giờ có nhiều mối quen thì ngày lễ như này có thể chạy 3 - 4 chương trình nếu đủ sức khỏe. Bởi trong cả chục chương trình, có thể lọc ra những cái nào lương cao và xen kẽ thời gian để làm, mỗi chương trình khai trương thì chỉ mất 2 - 3 tiếng, sau đó có thể chạy đi làm lễ trao giải hoặc các chương trình trong siêu thị”, Linh chia sẻ.


Nghề làm người mẫu xe hơi đòi hỏi phải có chiều cao.

Nghề làm người mẫu xe hơi đòi hỏi phải có chiều cao.

Cô nhẩm tính: “Trong 4 ngày nghỉ lễ, nếu mình chăm chỉ đi làm cả ngày 1 - 3 chương trình với mức lương dao động 300.000 - 400.000 đồng/ca (ngày thường 200.000 – 250.000 đồng/ca) thì mình thể kiếm được hơn 2 triệu đồng”.

Thế nhưng, Theo chia sẻ của Linh, công việc này đòi hỏi phải đứng liên tục với giày cao gót và không được ngồi nghỉ, nên cũng không dám làm quá nhiều.

Chia sẻ về nghề PG, Linh nói: “So với các công việc khác, làm PG khá nhàn, chỉ phải tạo dáng, đón khách, bưng bê lễ hoặc trao giải, chương trình nào về chuyên môn thì thêm vài việc khác, hỗ trợ khách là chính. Nhưng, nó lại đòi hỏi về chiều cao, ngoại hình khá nhiều và buộc phải đi được giày cao gót".

“Chiều cao là yếu tố quyết định rất nhiều đến lương. Cao dưới 1m70 làm người mẫu giới thiệu xe hơi lương chỉ 300.000 - 500.000 đồng/ca, còn trên 1m70 lương lên tới 500.000 - 700.000 đồng/ca tùy chương trình”, Linh cho hay.

Thế Hưng