Nước Mỹ thiệt hại hơn 16.000 tỷ USD vì phân biệt chủng tộc
(Dân trí) - Trong một báo cáo công bố hôm 24/9, Ngân hàng Citigroup chỉ ra tình trạng phân biệt chủng tộc cùng với các vấn đề liên quan đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 16.000 tỷ USD kể từ năm 2000 đến nay.
Citigroup - “gã khổng lồ” trong ngành ngân hàng - cho biết trong một báo cáo ngày 24/9 rằng, nạn phân biệt sắc tộc đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 16.000 tỷ USD trong hai thập kỷ qua.
Sau khi chỉ ra sức cản từ tình trạng bất bình đẳng tiền lương, phân biệt đối xử về chế độ nhà ở, chênh lệnh về học vấn và những vấn đề khác tồn tại lâu nay tại Mỹ, Citigroup đã cam kết dành 1 tỷ USD cho các sáng kiến kinh doanh hướng tới người da màu.
“Giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc là thách thức quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt nếu muốn tạo ra một xã hội công bằng và toàn diện. Citigroup cam kết sẽ đi đầu trong nỗ lực này và đầu tư cho các cộng đồng da màu tại Mỹ để xây dựng sự thịnh vượng và nền tài chính vững mạnh”, Giám đốc điều hành Citigroup Michael Corbat phát biểu trong một thông cáo báo chí.
Bản báo cáo này của Citigroup dài 104 trang, có hình ảnh hai nắm đấm tay giữa người da trắng và người da đen chạm nhau (một cử chỉ chào hỏi của đàn ông Mỹ) trên trang bìa, đưa ra hàng loạt vấn đề, bao gồm cả quyền ra chính sách và quyền bầu cử.
Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt với áp lực gia tăng từ dư luận yêu cầu phải có những động thái khắc phục vấn đề phân biệt sắc tộc.
Báo cáo chỉ ra khoảng cách lương khá lớn đối với người lao động da đen và gốc Tây Ban Nha, hệ quả của “lịch sử lâu dài của nạn phân biệt đối xử trong công việc, cộng với khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng cao không bình đẳng ở Mỹ”.
Không những vậy, Citigroup còn chỉ ra vấn đề bị xóa tên khỏi bảng lương khiến người tiêu dùng da màu dễ bị tổn thương hơn khi các ngân hàng cho vay với lãi suất cao hay các điều khoản bất lợi mà các ngân hàng đặt ra.
Báo cáo cho biết, các doanh nhân người da đen cũng phải đối mặt với nhiều rào cản về tài chính hơn so với các công ty của người da trắng. “Nếu các công ty do người da đen sở hữu đang thắng thế ở một loạt chỉ số, nhưng vẫn không được hỗ trợ vốn, thì hẳn đang có sự thiên vị”, theo báo cáo.
Citi ước tính sẽ giải quyết nạn phân biệt sắc tộc có thể mang lại cho kinh tế Mỹ thêm 5.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Citi đã cam kết một số biện pháp, trong đó có 550 triệu USD hỗ trợ người da màu mua nhà và cung cấp nhà ở giá rẻ. Các chương trình khác hỗ trợ các nhà cung cấp và các doanh nghiệp của người da màu.
Citigroup cũng hứa hẹn sẽ tăng cường các chính sách của mình để trở thành “một tổ chức chống phân biệt sắc tộc”, bao gồm loại bỏ xu hướng thiên vị trong thiết kế phần mềm và đưa hình ảnh người da màu vào các kênh tiếp thị.
Các công ty Mỹ đã đưa nhiều sáng kiến cộng đồng hơn sau các cuộc biểu tình đòi bình đẳng sắc tộc trên cả nước từ đầu năm nay, nhưng những người hoài nghi cho rằng cần phải có nhiều hành động cụ thể hơn để xoa dịu sự phẫn nộ sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd.
Hiện nay, phần lớn lãnh đạo cấp cao nhất của các công ty tại Mỹ vẫn là đàn ông da trắng. Tuy nhiên, để khẳng định việc là một trong những tập đoàn đi đầu về phong trào chống nạn phân biệt chủng quyền, Citigroup đầu tháng này đã chọn Jane Fraser làm giám đốc điều hành nữ đầu tiên của một ngân hàng lớn. Giám đốc tài chính của Citi, Mark Mason, cũng là người Mỹ gốc Phi.