1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nữ phu chợ “mải mê” mưu sinh ngày cận Tết

Hà Nội có những khu vực lao động ngoại tỉnh tập trung đông lao động nữ. Nghiệp hàng rong như đeo đuổi các bà, các chị với đôi quang gánh kĩu kịt trên vai, hay thùng quà vặt, xe hàng tự chế.

Người gánh hàng rong lắm đắng cay, tủi nhục kiếm ăn để mong có một ngày tết ấm áp về trong những làng quê nghèo vùng chiêm trũng Bắc Bộ.  

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Nặng gánh mưu sinh

 

Trong cái lạnh buốt 8-9oC của Hà Nội cuối năm, cuộc bươn trải của những lao động ngoại tỉnh bắt đầu khi đèn đường chưa tắt. Khi cả thành phố vẫn đang im lìm say giấc trong chăn ấm, những người thuộc đội quân gánh thuê đã trở dậy lục đục nhóm lửa nấu cơm trong các khu trọ ổ chuột dưới chân cầu Long Biên.

 

Ăn vội lưng bát cơm nguội, các chị Thoa, chị Quế, cô Lụa… cùng quê ở Hưng Yên tranh thủ từng phút để kịp ra chợ Long Biên gánh thuê, đây là khu chợ đêm sầm uất nhất chốn đô thành. Những năm gần đây, đội quân khuân vác thuê khu vực chợ Long Biên do các nữ lao động ngoại tỉnh là chủ lực, bởi một điều đơn giản là giá tiền công rẻ hơn và họ cũng “chịu nhịn” hơn.

 

Những người buôn thúng bán bưng đang ngày đêm bươn chải lo tết
Những người buôn thúng bán bưng đang ngày đêm bươn chải lo tết

 

Tờ mờ sáng, chị Chung đã vội vã đến đầu chợ Long Biên chờ lấy rau, củ, quả, rồi quẩy quang gánh rong ruổi khắp các tuyến phố để bán hàng. Quá trưa, chị mới nghỉ chân để ăn vội xuất cơm bụi giá rẻ. Cơm nước xong, lại cuốc bộ trên các dãy phố, đến khi hàng nhẹ gánh thì cũng là lúc trời đã sập tối.

 

Sau một ngày “dạo phố”, chị ngồi nhẩm tính rồi bảo: “Hôm nay cũng được dăm chục đấy! Gần tết, người ta đi lễ lạt nhiều nên hàng họ cũng đỡ ế”. Còn chị Hoa quê ở Yên Bái, xuống Hà Nội đã hơn 1 năm rồi tìm đến nghề buôn đồng nát. Chị kể: Những ngày cuối năm này các cửa hàng, ki-ốt dọn dẹp “thoáng” lắm. Có khi họ cho nhiều thứ bán được lắm. Nghề đồng nát cũng tam khoanh tứ đốm, thời buổi “người khôn, của khó” khiến bọn chị cũng nhiều phen “dài cổ”.

 

Hà Nội mưa phùn liên tục 3 ngày đến khi trời tạnh ráo thì những cơn gió buốt từ phía sông Hồng vẫn cứ thổi hắt lên, lạnh như muốn cắt da cắt thịt. Cuốn chặt chiếc khăn len cũ che kín mặt, chị Thoa chạy theo cái vẫy tay của chủ xe, nhận một tấm phiếu của người quản lý chợ rồi tất tả gánh những thùng na, măng cầu, soài từ những chiếc xe tải miền Nam vừa vào bến trong đêm. Những tiếng gọi hàng ời ời, tiếng quát tháo ré lên khi có người va quệt, tranh số gánh thuê. Chỉ gần 3 tiếng đồng hồ, Chị Thoa cùng các chị em khác đã gánh thuê cho hơn 3 lượt đổ hàng, lượng xe vào bến chỉ còn lác đác, mấy chiếc xe từ miền Đông ra muộn đang dỡ vội những thùng hàng cuối cùng, đội quân gánh thuê lại tụ tập trước cửa chợ nộp lại những miếng giấy ghi số gánh đã làm và chờ phát tiền công.

 

Chờ gần 1 tiếng đồng hồ mới được phát hơn 100 ngàn tiền công gánh hàng buổi sáng, chị Thoa lại tất tả gánh hai thúng na đi bán rong trên các con phố Hà Nội. Với vẻ mặt tươi tỉnh chị cho biết, mai là ngày Rằm nên chắc sẽ đắt hàng hơn mọi khi, có lẽ đến tối chị cũng kịp làm 3 gánh hàng bán rong trên phố. Chị khoe, với cái tuổi gần 50 nhưng chị còn dẻo chân lắm, mỗi ngày dư sức cuốc bộ hơn 30km. Mặc dù mới ra Hà Nội hơn 1 tháng nhưng mấy con phố cổ chị thuộc nằm lòng…

 

Những bước chân bán rong

 

Một bà chủ hàng vẫy tay gọi mua na, chị Thoa đon đả: “Cô mua mở hàng đi, na mới về, hàng tuyển cả đấy…”. Bà chủ hất hàm: “Bán thế nào?”, “Tám chục một cân cô ạ”. Chị Thoa nhận được một cái nguýt dài cả cây số, “gớm, bán vàng à mà đắt thế, 4 chục thôi…”. Sau một hồi trả giá chị Thoa cũng bán được với giá 45 ngàn/kg na kèm theo một chuỗi những lời dè bỉu của bà chủ hàng đầu chợ Bắc Qua. Thấy chúng tôi có vẻ áy náy, chị cười thản nhiên bảo: “Chẳng có gì đâu, mấy bà, mấy cô chỉ nói thế theo thói quen thôi chứ họ tốt lắm. Những hôm ế hàng, tôi năn nỉ mấy câu là họ lại mua đỡ để tôi được về đấy…”.

 

Tranh thủ ngồi nghỉ một lát ngay thềm chợ Gạo cũ, chị Thoa kể: “Hồi mới lên Hà Nội làm thuê, người nhà quê chúng tôi phải nhẫn nhịn đủ điều. Cái thói gánh đồ, gánh hàng ở quê đường rộng thênh thang, cứ thong dong mà đi, mà xoay ngang xoay ngửa. Lên phố, đường thì bé mà xe cộ nườm nượp, hàng quán thì san sát như ma trận, những ngày đầu gánh hoa quả đi bán không ít người trong số chúng tôi bị chửi khắp từ đầu phố đến cuối phố vì hết móc quang gánh lại đến va vào hàng người ta, nhất là những buổi sáng sớm chưa mở hàng. Có mấy cô còn trẻ người cùng làng tôi bị chửi đến mức không ăn được cơm vì uất nghẹn và nước mắt cứ trào ra. Thế rồi vài bữa cũng quen dần, va chạm vài lần rồi chúng tôi cũng thuộc đường, biết cách đi bán rong trong phố cổ…”.

 

Theo chị Thoa đi một vòng từ chợ Long Biên, qua chợ Bắc Qua, Hàng Chiếu, Đào Duy Từ, chợ Gạo… chúng tôi phải ngả mũ kính phục sức gồng tài gánh của chị. Đôi chân thoăn thoắt lúc lên hè, khi xuống đường, đôi quang gánh nặng chĩu mấy chục cân mà cứ nhẹ như không trên đôi vai gầy với chiếc áo bông sờn đã ngả màu của chị.

 

Tạm biệt đội quân “gồng gánh” chúng tôi như thấy lòng mình se lại giữa trời đông Hà Nội. Kinh tế khó khăn như đang đè nặng lên bờ vai của những người lao động ngoại tỉnh, những người đang góp phần nào khiến cuộc sống của người thủ đô có thêm sinh khí, màu sắc nhộn nhịp. Mỗi nghề một nỗi! Dân lao động tự do đến từ khắp mọi nơi, người ở Nghệ An, người quê Thanh Hóa, gần hơn là Nam Định, Ninh Bình và sát Hà Nội là Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Họ “mải mê” với trăm thứ nghề làm thuê giữa đất Hà Thành chỉ mong cho cuộc sống gia đình đủ đầy, đón cái tết ấm cúng hơn.

 

Theo Công Kiên

Petrotimes
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm