1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kon Tum

Nữ “nông dân” mang đào Bắc vào Cao Nguyên trồng, thu hàng trăm triệu đồng mỗi dịp tết

(Dân trí) - Nắm được thị hiếu của khách hàng miền nam, chị Tô Thị Thắm (51 tuổi, trú tại tổ 16, phường Quang Trung, Tp Kon Tum) đã mày mò, học học và đưa giống đào Bắc về trồng trên vùng đất đỏ bazan. Hơn hai mươi năm nay, mỗi mùa tết chị Thắm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ vườn đào của mình.

Người trồng đào đầu tiên trên Cao Nguyên

Bằng niềm đam mê và khát khao mang hương vị tết của quê nhà vào Kon Tum, chị Tô Thị Thắm ( 51 tuổi, trú tại tổ 16, phường Quang Trung, Tp Kon Tum), đã đưa giống đào từ Nam Định về trồng trên xứ Cao Nguyên. Sau nhiều năm học tập, tìm hiểu, cùng với kinh nghiệm vốn có chị Thắm đã thu về được thu nhập khủng sau mỗi dịp tết.

Đào Kon Tum.mp4

Nói về cơ duyên khi đến với nghề trồng đào nơi phố núi, chị Thắm cho biết, ý tưởng này được hình thành sau lần thử nghiệm trồng đào. Theo đó, năm 1999, chị bắt đầu thử nghiệm 3 gốc đào. Bắt đầu từ đó, đã có khách hàng tìm đến mua đào, dịp tết đó chị Thắm bán được 3 gốc và thu về được 2 chỉ vàng.

Nữ “nông dân” mang đào Bắc vào Cao Nguyên trồng, thu hàng trăm triệu đồng mỗi dịp tết - 1
Chị Thắm chia sẻ về nguồn gốc các loại đào mang từ Bắc về trồng trên Cao Nguyên

Với những thành công nhỏ đầu tiên, chị quyết định về quê mình ở Nam Định mang giống đào đem vào Kon Tum để trồng nhằm phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh ngày tết của người dân nơi đây. Ngoài ra, chị cũng thực hiện ước mơ mang loài cây quê hương vào nơi “đất khách” để vơi nỗi nhớ nhà những ngày tết xa quê.

Sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, giờ đây chị Thắm có khoảng 300 gốc đào mỗi năm để bán tết. Chị Thắm cho biết, giá dao động của mỗi cây đào từ 500.000-3.000.000 đồng/gốc. Còn những gốc to, quý, dáng đẹp có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Ngoài bán đào, chị còn nhận cho thuê đào chơi dịp tết, sau tết khách mang đến trả lại. Còn đối với khách đã mua, sau khi chơi xong, nếu khách có nhu cầu chăm sóc, chị Thắm nhận về chăm, dịp tết sau khách sẽ ghé lại mang về. Giá chăm sóc dao động từ 500.000-1.000.000 đồng/gốc/năm. Đối với loại đào đắt tiền, yêu cầu sự khéo léo cũng như kinh nghiệm trong việc chăm sóc thì giá lên tới 5.000.000 đồng/gốc/năm.

Nữ “nông dân” mang đào Bắc vào Cao Nguyên trồng, thu hàng trăm triệu đồng mỗi dịp tết - 2
Sau nhiều lần thất bại, giờ đây chị Thăm đã có hơn 300 gốc đào, thu về hàng trăm triệu mỗi dịp tết

Đến thời điểm hiện tại, vườn nhà chị Thắm hiện đang chăm sóc hơn 100 gốc đào khách gửi và hơn 100 gốc đào tơ. Trừ tất cả chi phí, từ phân bón, thuốc sâu, công cán,… một năm thu nhập của chị Thắm được khoảng 100-150 triệu đồng, từ công việc bán và nhận chăm sóc đào cho khách.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí tại nhà vườn của mình chị Thắm tự tay đúc chậu, chứ không nhập chậu từ bên ngoài. Chị cho biết nghề đúc chậu do chị học hỏi trong sách, rồi đi tham khảo thêm tại một số cơ sở đúc chậu rồi về làm theo. Khi khách mua hàng xong, nếu chở đi luôn chị sẽ đưa cây vào chậu, rồi chuyển cho khách.

“Nhiều năm nay, lượng khách đã dần ổn định, “tiếng lành đồn xa” người ta cứ kéo nhau tới ủng hộ. Có những khách, không phải mua đào từ vườn của mình, tôi vẫn nhận chăm sóc. Làm nghề bằng niềm đam mê, khách càng đông tôi càng cảm thấy có động lực hơn để tiếp tục công việc,…”, Chị Thắm bộc bạch.

Chăm đào đúng cách nơi “xứ lạ”

Cũng như bao loại hoa khác, đều đòi hỏi người chăm sóc có đầy đủ kinh nghiệm, khả năng quan sát, nắm bắt thời tiết tốt. Tuy nhiên, với loại đào, loại cây thuộc về  miền bắc, thì cần có kinh nghiệm dày dặn hơn. Để có thể kịp thời phòng tránh các tác động từ bên ngoài như bệnh, thời tiết,…

Nữ “nông dân” mang đào Bắc vào Cao Nguyên trồng, thu hàng trăm triệu đồng mỗi dịp tết - 3
Những gốc đào thế do chính tay chị Thăm tự chăm sóc và tạo dáng

Chia sẻ về việc chăm sóc đào giữa lòng phố núi, chị Thắm cho biết hầu hết bất cứ ai trồng và chăm cây cảnh đều phải là người có kinh nghiệm. Bởi vì chăm sóc cây cảnh rất khó, phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài.

Cũng như các loại khác, vườn của chị Thắm cũng mắc nhiều loại bệnh như rệp đỏ, sâu đục thân, sâu ăn lá,… Trước tình trạng đó, chị sử dụng biện pháp phun tỏi ớt để tránh sâu bệnh, lại thân thiện với môi trường. Đặc biệt, đào khác mai ở chỗ nhiều nụ, nở từ lớp này đến lớp khác.

Để tránh tình trạng nở thì phải hãm đào từ khi nó điểm cho tới tết, thời gian vào tầm đầu tháng 12 âm lịch. Nhưng năm nay, vì thời tiết lạnh hơn so với mọi năm nên chị Thắm đã ngắt lá từ ngày 25/11 âm lịch. Để tới mùng 8 đến 10/12 âm lịch có nụ để hoa kịp đơm bông khi tết đến.

Nữ “nông dân” mang đào Bắc vào Cao Nguyên trồng, thu hàng trăm triệu đồng mỗi dịp tết - 4
Để có được những gốc đào trên Kon Tum, chị thắm đã mất hàng năm trời trồng thử nghiệm

“Ngoài ra, vì đã có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, tôi hiểu rõ từng gốc đào như những “đứa con” của mình. Tôi nắm rõ được thời điểm nào phải ngắt lá, thời điểm nào đào cần phải phun thuốc để tránh sâu bệnh nặng. Nhiều người nghĩ việc chăm đào với tôi ắt hẳn phải khó lắm. Nhưng thật ra, tôi đã biết cách làm sao cho việc chăm sóc hiệu quả. Đến thời điểm này, những yếu tố tác động từ bên ngoài, không thể làm khó tôi được. Thời tiết như thế nào, thì tôi sẽ có cách khắc phục theo hướng đó. Sâu bệnh vào thời điểm nào, hại ra sao, phun thuốc thế nào cho hợp lý, mà không ảnh hưởng đến chất lượng cây đều nằm trong tầm kiểm soát của tôi. Để có những thế đào đẹp như: thế trực, đại thụ, long thăng, long giáng,… thì tôi cũng đã phải học hỏi, rèn luyện qua nhiều năm trời mới được như thế này”, chị Thắm chia sẻ thêm.

Vào những ngày cận tết này, vườn đào nhà chị Thắm luôn tấp nập khách ghé thăm. Có những cành đào đã bắt đầu điểm, có những cành đã ra bông rất đẹp và thu hút người nhìn. Một số lượng lớn đào trong vườn đã được chuyển đi, số còn lại hầu như đã có người đặt cọc, chỉ đợi những ngày cận tết để đưa về nhà.

Phạm Hoàng- Thùy Dung

Nữ “nông dân” mang đào Bắc vào Cao Nguyên trồng, thu hàng trăm triệu đồng mỗi dịp tết - 5