1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nữ giám đốc 30 tuổi tiết lộ 5 nguyên tắc để nghỉ hưu sớm

Thanh Lương

(Dân trí) - Từng là một người vô lo vô nghĩ ở độ tuổi 20, nữ doanh nhân Jen Glantz sau 10 năm làm việc vất vả bày tỏ hy vọng được nghỉ hưu sớm. Vì vậy, cô đã tuân thủ 5 nguyên tắc do chính bản thân đặt ra.

Jen Glantz là nhà sáng lập dịch vụ cho thuê phù dâu nổi tiếng "Bridemaid for Hire" (Mỹ). Cô là nhà sáng tạo dự án Finally the Bride, người dẫn chương trình podcast "You're Not Getting Any Younger" và tác giả của hai cuốn sách từng lọt top bán chạy nhất Amazon.

Mới đây, nữ giám đốc trẻ tuổi đã chia sẻ về việc lập kế hoạch nghỉ hưu sớm.

Nữ giám đốc 30 tuổi tiết lộ 5 nguyên tắc để nghỉ hưu sớm - 1
Cô Jen Glantz là một nữ doanh nhân nổi tiếng và là tác giả của hai cuốn sách từng lọt top bán chạy nhất Amazon (Ảnh: Business Insider).

Cô nói: "Lập kế hoạch cho việc nghỉ hưu không phải là điều tôi từng nghĩ đến khi còn ở độ tuổi 20. Tôi thường quá tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn - như thanh toán các hóa đơn thẻ tín dụng và trả tiền thuê nhà tại thành phố New York - đến mức, ý nghĩ để dành dụm tiền cho tương lai không hề xuất hiện trong tâm trí tôi.

Nhưng khi bước sang tuổi 30, quan điểm về tài chính cá nhân của tôi đã thay đổi. Tôi nhận ra rằng tôi cần phải xây dựng một chiến lược để tiền của mình không chỉ hỗ trợ bản thân ở thời điểm hiện tại mà còn cho cả sau này.

Trong vài năm qua, tôi cố gắng xây dựng kế hoạch về hưu từ sớm. Tôi muốn nghỉ hưu ở độ tuổi 50, sớm hơn 10 năm so với thông thường. Để làm được điều này, tôi đã thay đổi một số thói quen của mình và tuân thủ 5 nguyên tắc sau".

Bám sát ngân sách đề ra

Để có thể thực hiện đúng kế hoạch nghỉ hưu sớm, tôi cần phải có một nền tảng tài chính vững chắc. Đối với tôi, sự vững chắc này đến từ một ngân sách sát thực tế và tuân thủ theo nó mỗi tháng. Kể từ khi tôi bắt đầu lập ngân sách trong năm nay, tôi đã có thể kiểm soát được các khoản chi tiêu của mình và đảm bảo luôn có đủ tiền mặt hàng tháng để đóng góp vào các quỹ hưu trí.

Trước kia, mỗi khi lập ngân sách cụ thể, tôi luôn có đủ những lý do biện minh để tiêu tiền. Nhưng giờ đây, số tiền tôi để dành cho việc nghỉ hưu là cố định và đều đặn góp vào ngân sách mỗi tháng.

Thay đổi thái độ và tiết kiệm có chủ đích

Ở độ tuổi 20, tôi từng nghĩ rằng tiết kiệm cho việc nghỉ hưu là vô nghĩa. Giờ đây, tôi không chỉ nhận ra mình đã sai lầm mà còn hiểu rõ thái độ tiêu cực trên khiến tôi mất đi động lực dành dụm tiền.

Ngoài ra, tôi để tiết kiệm tiền về hưu một cách có chủ đích hơn. Thay vì chỉ tuyên bố chung chung về mục tiêu nghỉ hưu sớm, tôi còn vạch ra những điều tôi muốn làm sau này. Chẳng hạn như những chuyến du lịch tôi sẽ đi đâu, làm gì, tốn bao nhiêu tiền hay ghi rõ tài sản tôi muốn sở hữu khi nghỉ hưu. Có nhiều mục tiêu cụ thể hơn khiến việc tiết kiệm trở nên thú vị hơn.

Những thay đổi trong tư duy đã cho phép tôi thay đổi cách tiếp cận các khoản tiết kiệm cho tương lai và khiến bản thân tôi trở nên háo hức khi mỗi tháng đều góp đúng số tiền đã định trước.

Đa dạng hóa kế hoạch và tìm kiếm thu nhập thụ động

Sau khi mở một tài khoản hưu trí và góp tiền hàng tháng trong vài năm qua, tôi đã quyết định mình cần có nhiều cách để tăng thu nhập khi về già. Tôi không chỉ có quỹ hưu trí mà còn bắt đầu tích góp tiền mua bất động sản để trong tương lai, tôi có thể cho thuê chúng và có một nguồn thu nhập thụ động.

Tôi cũng bắt đầu nghiêm túc về việc tìm cách tạo ra thu nhập thụ động khác, cho dù đó là đầu tư vào công việc kinh doanh nhỏ hay kiếm thu nhập qua việc mở các khóa học và viết sách. Tôi có thể sử dụng thu nhập đó để trang trải chi phí sinh hoạt hiện tại và để dành tiền tiết kiệm khi về hưu.

Kiểm soát nợ và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp

Cách duy nhất để tôi có thể nghỉ hưu sớm là đảm bảo rằng tôi luôn kiểm soát được số nợ mà mình có. Hiện tại, tôi không có khoản nợ nào.

Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi nếu một trường hợp khẩn cấp nào đó xảy ra và tôi không có tiền để trang trải. Mọi chuyện có thể tồi tệ hơn nếu có điều gì đó khiến tôi mất hoàn toàn thu nhập. Để quản lý rủi ro này, tôi đang tích cực đóng góp vào các tài khoản tiết kiệm khẩn cấp của mình đều đặn mỗi tháng.

Những việc khác mà tôi làm để giảm bớt nợ là thường xuyên theo dõi bảng sao kê thẻ tín dụng để đảm bảo rằng tôi không bị bội chi. Tôi cũng lên kế hoạch trước những khoản mua sắm đắt tiền để đảm bảo rằng có đủ tiền để mua chúng.

Những việc làm này giúp tôi đi đúng hướng với kế hoạch nghỉ hưu sớm và cho phép tôi không phải dùng bất kỳ khoản tiết kiệm nào để giải quyết nợ mới phát sinh.

Tự kiểm toán hàng tuần

Một trong những cách tốt nhất mà tôi có thể thay đổi thói quen tài chính và đạt được mục tiêu tiết kiệm hàng tháng khi nghỉ hưu là tự kiểm toán bản thân hàng tuần.

Mỗi sáng thứ sáu, tôi ngồi xuống và xem xét tất cả các khoản chi tiêu của mình, từ bảng sao kê thẻ tín dụng đến số dư quỹ hưu trí. Điều này giúp tôi nắm bắt được số tiền đang chi tiêu và tiết kiệm hàng tuần, đồng thời cho phép bản thân hiểu rõ hơn về tình trạng tài chính của mình.

Trước đây, tôi chỉ tự kiểm toán mỗi tháng một lần, thường là vào ngày nhận lương hoặc ngày sao kê thẻ tín dụng. Điều đó khiến tôi dễ dàng chi tiêu quá mức và không đặt mục tiêu tài chính của mình lên hàng đầu.