Nữ doanh nhân Việt Nam: Khó khăn trăm bề
(Dân trí) - Đây chính là những ghi nhận dựa trên ý kiến của hơn 500 nữ doanh nhân trên cả nước theo khảo sát của Chương trình Phát triển Kinh tế Tư nhân (MPDF) thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và bộ phận Giới-Doanh nghiệp - Thị trường của IFC (IFC-GEM) vừa công bố hôm 7/3.
Báo cáo “Doanh nhân nữ ở Việt Nam: Một khảo sát toàn quốc” đã khẳng định lại một thực tế là các doanh nghiệp nữ, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng đang gặp những khó khăn chung như thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, luật điều chỉnh, chính sách chưa rõ ràng và thiếu nguồn lao động lành nghề.
“Doanh nhân nữ ở Việt Nam phải đảm đương nhiều trách nhiệm khác ngoài công việc kinh doanh. Họ vẫn nuôi nấng con cái, chăm sóc cha mẹ và tham gia các hoạt động xã hội. Mặc dù gánh nhiều trách nhiệm như vậy, họ vẫn cố gắng để thành công và thành công của họ đang góp phần tạo thêm công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Bà Nguyễn Quỳnh Trang – Giám đốc Chương trình Phát triển Môi trường Kinh doanh của IFC-MPDF. |
So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam được coi là một trong những nước đi đầu về nỗ lực nâng cao vị thế cho phụ nữ. Năm nay Quốc hội đã có kế hoạch xem xét và thông qua Luật Bình đẳng giới với mục tiêu tăng cường hơn nữa quyền năng của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có cả lĩnh vực làm kinh tế.
Theo bà Julie Weeks, chuyên gia quốc tế về phát triển doanh nghiệp nữ, đồng thời là tác giả của báo cáo trên thì : “Mặc dù Luật Bình đẳng giới là bước khởi đầu quan trọng trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nữ, Việt Nam nên xem xét vấn đề phát triển doanh nghiệp nữ một cách toàn diện hơn. Nhiều nước đã xây dựng khung chiến lược về phát triển doanh nghiệp nữ và đã gặt hái được những thành công nhất định”.
Theo bà Weeks, các chương trình đào tạo dành riêng cho phụ nữ là rất quan trọng. “Nghiên cứu ở các nước khác cũng chỉ ra là cách học của phụ nữ khác với của nam giới và phụ nữ rất thích được có cơ hội chia sẻ và gây dựng quan hệ trong các chương trình đào tạo chỉ dành riêng cho phụ nữ. Do đó, chương trình đào tạo được thiết kế riêng cho phụ nữ không phải là sự phân biệt đối xử hay thể hiện một sự chênh lệch về kỹ năng giữa hai giới mà chỉ là sự tôn trọng những cách học khác nhau cũng như những yêu cầu khác nhau của khách hàng giới nữ”.
Một phát hiện quan trọng khác của khảo sát là các hội, hiệp hội đại diện cho doanh nhân nữ cần tham gia tích cực hơn vào hoạch định chính sách để đảm bảo tính bền vững của các cải cách kinh tế. Bà Amanda Ellis, Giám đốc chương trình IFC-GEM thì cho rằng “Doanh nhân nữ ở Việt Nam là một lực lượng kinh tế năng động. Họ có thể cung cấp cho chính phủ những thông tin và phản hồi quan trọng về những chính sách kinh tế cần có và tính hiệu quả của các chính sách hiện hành”.
Khảo sát cho thấy các chủ doanh nghiệp nữ muốn có một tổ chức hay cơ quan chịu trách nhiệm chuyển tải những thông tin như vậy của doanh nghiệp nữ đến các nhà lập chính sách. Việc này có thể được thực hiện bằng cách trao thêm trách nhiệm cho một cơ quan nào đó hoặc thành lập một hội đồng tư vấn riêng như một số nước đã làm”.
Nguyễn Hiền