Nông sản xuất khẩu "gặp khó" vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật
(Dân trí) - Việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là lý do dẫn đến nhiều loại nông sản "gặp khó" khi xuất khẩu. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do nông dân bón phân và phun thuốc trừ sâu vượt mức cho phép.
Ngày 28/4, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP HCM và Tập đoàn hàng đầu thế giới về kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng thực phẩm – Eurofins (Đức) có buổi gặp gỡ trao đổi để đánh giá tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản tại Việt Nam.
Thực tế, vấn đề đánh giá tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản xuất khẩu đang khiến nhiều doanh nghiệp và người nông dân bối rối. Theo thống kê được đưa ra tại buổi gặp gỡ, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 183 triệu USD thuốc trừ sâu. Giai đoạn từ năm 2012 đến 2013, lượng nhập khẩu thuốc trừ sâu đã tăng đột biến từ 55.000 - 112.000 tấn. Đến năm 2016, lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu là 100.000 tấn và không có dấu hiệu giảm.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, chuyên gia của Liên minh Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đầu năm 2017, hồ tiêu xuất khẩu sang EU, Ấn Độ có nguy cơ bị đình chỉ vì dính dư lượng Metalaxyl (hoạt chất trừ nấm). Về rau củ, hơn 221 loại thuốc trừ sâu được phát hiện có trong rau củ, trong đó gần một nửa vượt quá nồng độ tối đa cho phép hoặc bị cấm. Khoảng 10 năm qua, các nước như Úc, Mỹ, Nhật, EU đã từ chối 483 sản phẩm rau củ của Việt Nam với trị giá hơn 1 tỷ USD.
Cũng theo tiến sĩ Hồng Minh, nguyên nhân các sản phẩm nông sản xuất khẩu Việt Nam thường xuyên bị trả về là do nông dân bón phân và phun thuốc trừ sâu vượt mức cho phép. Doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo tiêu chuẩn sản xuất sạch như VietGAP, Global GAP.
Ngoài ra, việc tăng vụ liên tục, trồng lúa ba vụ và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật vẫn được nhập khẩu, lưu hành cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc nông sản Việt Nam thường bị các nước trả về.
Ông Jorg Lickfett, chuyên gia của Tập đoàn Eurofins Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, việc sử dụng không kiểm soát các loại thuốc bảo vệ thực vật với mục tiêu tăng năng suất khiến sản phẩm nông sản từ Việt Nam nhiễm quá giới hạn cho phép dư lượng các thuốc bảo vệ thực vật của Châu Âu, Mỹ.
Do vậy, Việt Nam cần nhiều phòng thí nghiệm hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế để hạn chế việc nông sản bị trả về.
Ngay sau buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị của TP HCM và Eurofins đã công bố ra mắt Trung tâm kiểm nghiệm Eurofins - Sắc ký hải đăng ngay trong khu Công nghệ cao TP HCM để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp Việt Nam xác định lại danh mục các loại thuốc bảo vệ được sử dụng; Cung cấp giải pháp kiểm nhanh trước thu hoạch và giám sát chất lượng trước khi xuất khẩu.
Trung Kiên