Nông sản giá rẻ tràn ra quốc lộ
Nhiều loại nông sản ở ĐBSCL trúng mùa rớt giá, một số nhà vườn không ngại nguy hiểm đã mang sản phẩm ra bán dọc quốc lộ, nơi xe cộ qua lại đông đúc để mong bán được giá hơn.
Bà Trần Thị Hằng (ngụ ấp An Thành, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), một người bán khóm ven quốc lộ 63, cho biết công việc của những người phụ nữ ở đây bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 18 giờ cùng ngày. Những hôm bán chậm thì đến tận 20 giờ bà mới dọn hàng. “Chúng tôi buộc phải ngồi cả ngày ngoài đường nhưng thu nhập cũng chỉ được khoảng 70.000-80.000 đồng/ngày để phụ giúp chồng nuôi các con ăn học” - bà Hằng tâm sự.
Cùng cảnh phải "bám đường" mưu sinh, bà Huỳnh Mỹ Phương (ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết đã ra QL 91B bán hàng được vài năm nay. Tay luôn cầm nón lá quạt để xua bớt cái oi bức của ngày hè, bà Phương cho biết: “Trước đây, tôi ở nhà làm vài công ruộng nhưng cuối vụ thu hoạch rồi bán cũng chẳng được đồng lãi nào. Vì thế, tôi mua lại hàng hóa của bà con trong xóm, từ cá, cua đến rau màu, trái cây... rồi mang ra ven đường bán để kiếm sống qua ngày”.
Ngay từ sáng tinh mơ, dọc theo QL 1A, đoạn đường dẫn cầu Cần Thơ (phía Vĩnh Long), từ lâu đã trở thành điểm lý tưởng để bày các loại trái cây, bắp nấu... Việc mua bán ở đây không thật sự ồn ào nhưng cũng có những tiếng chào mời của người bán cùng lời mặc cả của khách hàng. Với người bán, chỉ cần cái dù, một kệ gỗ, vài mét vuông lề đường là được ngay một “cửa hàng”. Còn người mua phải dừng lại dưới chân đường dẫn để mua hàng khá nguy hiểm.
Bà Huỳnh Thị Minh Trang (ngụ ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), một nhà vườn kiêm bán trái cây theo mùa dưới chân cầu Cần Thơ, nói: “Khoảng 5 năm về trước, lúc đầu mọi người tập trung bán ít nên mỗi ngày kiếm lời được vài trăm ngàn. Bây giờ ai cũng đổ xô ra đây bày bán nên kiếm lời cũng khó, chỉ bằng phân nửa so với thời gian đầu”.
Dù phải dùng khăn, áo chống nắng, khẩu trang bịt kín gần hết gương mặt để tránh cái nắng như thiêu đốt nhưng những người mưu sinh ven đường vẫn luôn dõi mắt nhìn về dòng xe cộ đang lao tới, rồi tay vẫy, miệng gọi khách mua hàng. “Biết là rất nguy hiểm đến tính mạng lẫn sức khỏe nhưng nếu không mưu sinh bằng cái nghề này thì tôi chẳng biết phải làm gì ra tiền”- một phụ nữ bán bắp nấu dưới đường dẫn cầu Cần Thơ giãi bày.
Do nông sản bị thương lái ép giá, nhà vườn đành đem ra ven đường để bán kiếm thêm thu nhập