An Giang:
Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước "3 biến"
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước "3 biến". Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của khách hàng.
Ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp An Giang nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước "3 biến". Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của khách hàng.
Do đó, sản xuất nông nghiệp luôn bị động, thiếu sự kết nối thông qua hệ thống dữ liệu số, dẫn đến "mù mờ" về thông tin. Người sản xuất thiếu thông tin về thị trường, thị trường thiếu thông tin về sản xuất khiến mối liên kết cung cầu bị "đứt gãy".
Chính sự bất cân xứng thông tin thị trường, kết nối cung - cầu chưa chặt chẽ dẫn đến điệp khúc "được mùa rớt giá", hay đâu đó lại xuất hiện việc "giải cứu nông sản".
Không chỉ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, câu chuyện "giải cứu" mới được nhắc đến như vừa qua, mà đây là vấn đề có tính chu kỳ, là quy luật tất yếu của việc sản xuất không gắn với thị trường, như chuyện "giải cứu" hành tím Sóc Trăng; khoai lang tím Vĩnh Long; cá tra, xoài ở đồng bằng sông Cửu Long…
Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam khẳng định, đã đến lúc An Giang phải bắt tay ngay vào chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc cần làm là phải bắt đầu từ việc xây dựng và hình thành các mã vùng trồng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cá tra, lúa gạo, xoài, rau màu…; xem đây là một cuộc cách mạng nhằm thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nếu không sẽ lỡ nhịp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, An Giang cần thực hiện chuyển đổi từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp" (tư duy sản lượng sang tư duy chất lượng) để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nông nghiệp, ban đầu có thể không nhiều, nhưng chất lượng hơn. Về lâu dài, khi có thương hiệu, lợi nhuận sẽ cao hơn, chi phí sản xuất thấp và bảo vệ môi trường, từ đó, hướng đến phát triển nền nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái bền vững, vì sức khỏe cộng đồng, giải quyết được ổn thỏa bài toán sản xuất và thích ứng.
Bên cạnh đó, phải nâng cao, chuyển đổi nhận thức từ chính quyền đến người dân, xem nông nghiệp là một nghề. Trong đó, chính quyền không chỉ hô hào người nông dân sản xuất, mà cần tổ chức lại đời sống nông thôn, gợi mở, giúp người nông dân tiếp cận thị trường, phương thức canh tác mới, cũng như áp dụng khoa học công nghệ,... thông qua các chương trình khuyến nông, thay vì chỉ là tư duy sản xuất thuần túy như trước đây.
Song song đó, chúng ta phải kích hoạt, kết nối đầu ra nông sản, cả nông sản tươi và nông sản chế biến, như vậy mới định hướng được sản xuất từ khâu đầu vào đến tiêu thị, mang lại lợi nhuận thiết thực cho người nông dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, An Giang đã làm khá tốt ở khâu liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã thông qua việc ký kết các hợp đồng để đưa nông sản ra thị trường. Nhưng để bền vững hơn, tránh rủi ro mùa vụ, cần phải chuyển từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị, đích đến là thị trường và người tiêu dùng.
Lãnh đạo An Giang cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020, An Giang đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều chương trình, đề án lớn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang cũng đối mặt với nhiều khó khăn, quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhìn chung vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán; sự liên kết và hợp tác còn yếu và thiếu bền vững, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản còn thấp; dễ bị "tổn thương" trước tác động của thiên nhiên.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang khẳng định, với nhiều lợi thế và tiềm năng trong phát triển nông nghiệp, thời gian tới, nông nghiệp vẫn là "trụ đỡ" nền kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia vững chắc trong mọi tình huống.
Ông Lê Hồng Quang đề nghị Bộ NN&PTNT tháo gỡ vướng mắc trong thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp như vấn đề hạn điền, thị trường tiêu thụ; đầu tư phát triển hạ tầng logistics trong phát triển nông nghiệp ở An Giang và đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời cam kết, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến An Giang đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.