Nông nghiệp công nghệ cao: Cứu cánh khi vào TPP

(Dân trí) - Để ngành nông nghiệp Việt Nam vượt qua những rào cản khi Việt Nam vào TPP, theo các chuyên gia, chỉ bằng cách ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để kết nối vào chuỗi cung ứng của thế giới.

Ngày 3/12, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “TPP và ngành nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ cao để vượt qua rào cản” do Trung tâm Xúc tiến thương mại TPHCM tổ chức.

Các chuyên gia kinh tế trao đổi tìm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Các chuyên gia kinh tế trao đổi tìm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tại hội thảo, ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM tin tưởng rằng, Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam.

Khi gia nhập TPP, thị trường châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội gia nhập các chuỗi cung ứng trên thế giới; tiếp cận nhiều thị trường tốt như thị trường 15.000 tỉ USD của Mỹ và 3.000 tỉ USD của Canada, Peru và Mexico.

Tuy nhiên, ông Từ Minh Thiện cũng cho rằng, TPP không phải là “chiếc bánh ngọt” mà là “đóa hồng” đẹp nhưng lại có rất nhiều gai. Những loại “gai” mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể “đối mặt” như mất thị phần thị trường vì nhiều rào cản về kỹ thuật, chất lượng, bảo hộ sản phẩm trong nước từ các nước TPP. Nông sản trong nước bị cạnh tranh, ép giá khiến thị phần bị thu hẹp từ đó làm giảm thu nhập của nông dân cũng như doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia hội thảo
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia hội thảo

Bài toán đặt ra là làm sao để nông nghiệp Việt Nam biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội để bước vào “sân chơi” TPP?.

Ông Từ Minh Thiện đã chỉ ra 5 yêu cầu của thị trường tiêu thụ là giá cả cạnh tranh; có khả năng cung cấp thường xuyên, đúng thời hạn; có khả năng cung cấp số lượng lớn; chất lượng tốt và đảm bảo an toàn khi sử dụng. Với những yêu cầu này thì chỉ bằng cách ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì mới giúp Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng của thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay số vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng chỉ chiếm khoảng 1%. Nền nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Ông Thiện cho rằng, chỉ những “đại gia” mới đầu tư bài bản công nghệ cao vào nông nghiệp. Các “ông lớn” này xây dựng được hệ thống bán lẻ riêng, giảm được nhiều khâu trung gian nên giá thành rất cạnh tranh.

Trong khi đó, ông Nestor Scherbey, cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng, để vượt qua những hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản, các nhà xuất khẩu nông nghiệp nên thực hiện nghiên cứu thị trường xuất khẩu chuyên ngành của các thị trường nước ngoài để xác định tiềm năng thị trường xuất khẩu tốt nhất đối với hàng hóa của mình.

Đồng thời, các nhà xuất khẩu cũng cần làm việc chặt chẽ bằng cách thông tin liên lạc với các đối tác thương mại nước ngoài tại thị trường nước ngoài để hiểu đầy đủ các tiêu chuẩn áp dụng và các yêu cầu.

Ông Nestor Scherbey cho rằng Việt Nam cần hiểu rõ luật chơi thì sẽ thành công ở TPP
Ông Nestor Scherbey cho rằng Việt Nam cần hiểu rõ luật chơi thì sẽ thành công ở TPP

“Việt Nam không nên quá lo lắng khi tham gia vào một sân chơi mới. Việc cần làm là tìm hiểu để hiểu rõ luật chơi. Tôi tin chắc Việt Nam sẽ học hỏi tốt và thành công khi gia nhập vào TPP”, ông Nestor Scherbey nói.

Công Quang

 

Nông nghiệp công nghệ cao: Cứu cánh khi vào TPP - 4