Tiêu điểm kinh tế trong tuần:

“Nóng” loạt dự án giao thông: Nơi “dính” án hối lộ, đội vốn 9 lần; nơi gây lo lắng

(Dân trí) - Tuần này, các thông tin “nóng” về đời sống kinh tế tập trung ở lĩnh vực giao thông. Trong khi đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được đảm bảo “an toàn tuyệt đối” thì một đường sắt đô thị khác là tuyến số 1 Hà Nội (đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi) lại “dính” án hối lộ và đội vốn gấp 9 lần.

Đường sắt đô thị Hà Nội “dính” án hối lộ, đội vốn gấp 9 lần

“Nóng” loạt dự án giao thông: Nơi “dính” án hối lộ, đội vốn 9 lần; nơi gây lo lắng - 1

Phối cảnh đường sắt đô thị tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồ

Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội (đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi) được Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2004, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát - Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến là 28,7 km, tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, tiến độ 2007-2017.

Sau đó, dự án được điều chỉnh, đến nay phân kỳ đầu tư lại, trong đó giai đoạn I chỉ tập trung đầu tư xây dựng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi. Dự án được khởi công từ năm 2013, dự kiến được hoàn thành vào năm 2024. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa triển khai được gói thầu thi công, xây lắp nào, chủ yếu vẫn tập trung công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án.

Sau 10 năm với nhiều lần điều chỉnh, dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi chưa thể triển khai thi công, nhưng đến nay tổng mức đầu tư toàn bộ dự án toàn tuyến ước tính khoảng 81.537 tỷ đồng, tăng 9 lần so với kế hoạch ban đầu.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho biết, trong quá trình triển khai có các hạng mục phát sinh phải bổ sung, điều chỉnh thiết kế nhằm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô, điều kiện thực tế và quy hoạch của địa phương; trượt giá xây dựng, tăng tỷ giá giữa tiền Yên và tiền Việt Nam; ảnh hưởng của vụ việc nhà thầu JTC của Nhật Bản hối lộ 80 triệu yên (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một số quan chức đường sắt Việt Nam khiến dự án bị dừng từ 2014-2016... dẫn đến phải điều chỉnh dự án.

Bộ Giao thông cam kết đường sắt Cát Linh - Hà Đông an toàn tuyệt đối!

“Nóng” loạt dự án giao thông: Nơi “dính” án hối lộ, đội vốn 9 lần; nơi gây lo lắng - 2

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông "lỗi hẹn" do Tổng thầu Trung Quốc (ảnh: Toàn Vũ)

Nhằm trả lời kiến nghị cử tri Đà Nẵng về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đề nghị cân nhắc thận trọng khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt này, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định:

“Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới. Với vai trò Chủ đầu tư, Bộ GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án và sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn”.

Theo Bộ này, trong thời gian triển khai dự án, đã có nhiều đoàn thường xuyên, định kỳ kiểm tra dự án trong các lĩnh vực như: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TN&MT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Kiểm toán nhà nước... Bộ GTVT đã thuê Tư vấn của Pháp đánh giá an toàn hệ thống, từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành.

Bộ GTVT cho biết: Thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan của bộ nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về mặt an toàn, tiến độ, chất lượng công trình; nhằm đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn, sớm đưa Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.

Chính thức khởi công “đại dự án” cao tốc Bắc - Nam

“Nóng” loạt dự án giao thông: Nơi “dính” án hối lộ, đội vốn 9 lần; nơi gây lo lắng - 3

Phối cảnh đoạn tuyến đầu tiên của dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ khởi công xây dựng từ ngày 16/9

Ngày 16/9 là ngày dự án thành phần đầu tiên của cao tốc Bắc Nam chính thức được khởi công xây dựng. Dự án có chiều dài hơn 98km, đoạn Cam Lộ - La Sơn, đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đi trùng với đường Hồ Chí Minh. Đây là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông được khởi công xây dựng.

Điểm đầu của dự án tại Km0 (Cam Lộ), thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại  Km102+200 (La Sơn), trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Tuý Loan, thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Ủy ban quản lý vốn “lo” tính khả thi đường sắt tốc độ cao không… cao!

“Nóng” loạt dự án giao thông: Nơi “dính” án hối lộ, đội vốn 9 lần; nơi gây lo lắng - 4

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao đang được Hội đồng thẩm định Nhà nước đánh giá

Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam , dự án này đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ với chiều dài toàn tuyến khoảng 1.599 km, nối Hà Nội - TP.HCM, tổng mức đầu tư khoảng 58,71 tỷ USD; tốc độ khai thác đoàn tàu 320 km/h; phân kỳ đầu tư hai giai đoạn 2020-2032 và 2032-2050.

Bộ GTVT đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng chiếm khoảng 80% tổng mức đầu tư dự án.

Dự án huy động khoảng 20% vốn từ xã hội hóa từ các nhà đầu tư để mua sắm đoàn tàu và một số thiết bị. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng và trả chi phí thuê hạ tầng của tuyến đường sắt tốc độ cao.

Tham gia ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, hình thức đối tác công-tư (PPP) với tỷ lệ nhà nước 80% theo đề xuất của Bộ GTVT là rất cao, điều đó cho thấy tính khả thi dự án không cao, không đủ khả năng thu hút vốn tư nhân tham gia, thu hồi vốn đầu tư.

Ủy ban này cũng đề nghị Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đánh giá kỹ hơn về đề xuất này, đặc biệt lưu ý khả năng cân đối thu chi ngân sách nhà nước, vấn đề nợ công khi thực hiện đầu tư dự án.

Ngân hàng Nhà nước chính thức cắt giảm lãi suất

“Nóng” loạt dự án giao thông: Nơi “dính” án hối lộ, đội vốn 9 lần; nơi gây lo lắng - 5

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước

Thông tin chính sách kinh tế đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua đó là ngày 13/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức thông báo điều chỉnh giảm lãi suất .

Giai đoạn gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành.

Do đó, kể từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7%/năm.

Cùng với đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Đây là lần giảm lãi suất điều hành lần đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước kể từ tháng 10/2017. Trước đó vào hồi tháng 7/2019, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 25 điểm cơ bản lãi suất tín phiếu ngắn hạn (lãi suất tín phiếu 7 ngày từ mức 3% về mức 2,75%/năm).

Mai Chi (tổng hợp)