Nông dân Trung Quốc thành đại gia nhờ kinh doanh trực tuyến
(Dân trí) - Sau nhiều năm nỗ lực không thành công với nghề kinh doanh gạch và vữa ở các thành phố lớn Trung Quốc, Liu Yuguo đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Cách đây 6 năm, anh quyết định mở một cửa hàng trực tuyến và buôn bán sợi len. Cuộc đời của anh đã thay đổi.
Tại chính ngôi nhà ở Qinghe - một làng nông thôn của Trung Quốc, sau 2 năm buôn bán trực tuyến, Liu đã thu về hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) và đã mua được chiếc xe ô tô Mercedez-Benz. Anh giờ có thể mua chiếc dây lưng đắt tiền của hãng Hermes hay có trong tay những chiếc thẻ kinh doanh mạ vàng có giá trị 10 nhân dân tệ/ chiếc.
Năm 2007, khi người bác của anh khuyên anh nên mở 1 cửa hàng trên Taobao, điều đầu tiên anh hỏi là như vậy có hợp pháp không.
Liu nói: "Tôi chỉ là một người nông dân, học hết lớp 7. Những thứ không đòi hỏi tiền nhiều nhưng vẫn làm ra tiền và hợp pháp, nghe có vẻ khó tin đối với tôi". Tuy nhiên, sau đó anh cũng mạnh dạn đưa 10 sản phẩm len sợi lên trang Taobao và chỉ sau 1 tiếng, anh đã bán hết.
Từ đó, anh tìm hiểu thêm về thương mại điện tử, làm thế nào để phát triển và thúc đẩy thương hiệu của mình trên trang Taobao thông qua các khóa đào tạo miễn phí của Alibaba. Trong cả năm 2008, anh kiếm được hơn 200.000 nhân dân tệ.
Đến nay, Liu sở hữu 1 cửa hàng trên Taobao và 4 cửa hàng trên Tmall - một trang web thương mại điện tử khác của Alibaba có liên kết với nhiều nhà bán lẻ như Nike. Trong những mùa kinh doanh cao điểm, Liu phải thuê 200 người và các cửa hàng trực tuyến của anh có đến 180.000 khách tham quan mỗi ngày.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Liu cũng đã mua một tòa nhà 4 tầng ở một ví trí đắc địa, phát triển tại vùng Qinghe cách 370 km so với Bắc Kinh làm văn phòng. Chiếc xe ô tô của anh cũng đã khác so với trước đây, vẫn là dòng xe của Đức nhưng giờ là chiếc xe thể thao đa dụng BMW X6 với riêng chiếc biển số xe đã có giá trị 200.000 nhân dân tệ.
Những người dân trong khu làng bắt đầu tò mò về sự giàu lên nhanh chóng của Liu và tìm đến anh để hỏi về bí quyết thành công. Liu cũng đã thành thật chia sẻ và truyền đạt cho nhiều người cách buôn bán trên mạng và nhiều người cũng đã giàu lên nhờ con đường buôn bán này.
Liu là một trong 16 thương nhân Trung Quốc hoạt động ở nông thôn, kiếm được ít nhất 5 tỷ nhân dân tệ thông qua kinh doanh trực tuyến trong năm qua, góp phần tạo 40.000 việc làm và giúp kìm hãm dòng chảy di dân từ nông thôn lên thành thị tìm việc.
"Thời đại này, nguồn lực phát triển cho thương mại điện tử sẽ chủ yếu đến từ vùng nông thôn do tốc độ tăng trưởng tại các thành phố đã bão hòa. Hầu hết người dân từng đã bỏ làng ở Qinghe để đi làm việc, nay đã trở về và điều này sẽ giúp ích cho nền kinh tế địa phương.", nhà nghiên cứu cao cấp tại Alibaba - Chen Liang cho biết.
Công ty này cũng cho biết thêm hơn 22% trong 7 triệu cửa hàng giao dịch trên 2 trang buôn bán điện tử của Alibaba là Taobao Marketplace và Tmall, có địa chỉ đăng kí là từ các làng và thị trấn Trung Quốc.
Còn theo báo cáo của Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc có thêm 26 triệu người sử dụng Internet, trong đó khu vực nông thôn chiếm khoảng hơn 54%. Cả nước hiện có 591 người dùng Internet, nhiều hơn toàn bộ dân số của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, ngoại trừ Ấn Độ.
Thành công của Liu đã phản ánh sự phát triển của ngành thương mại điện tử Trung Quốc.
Taobao và Tmall.com hiện có tổng số 500 triệu tài khoản đăng kí. Vào thời điểm khuyến mại cuối năm ngoái, doanh thu do buôn bán hàng hóa trên 2 trang này có lúc đạt đến 3 tỷ USD chỉ trong 1 ngày. Năm ngoái, khối lượng giao dịch của các nhà bán lẻ Trung Quốc trên các trang bán lẻ trực tuyến của Alibaba chiếm khoảng 2% GDP Trung Quốc.
Đến năm 2015, Trung Quốc sẽ có hơn 850 triệu người dùng Internet, theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nước này. Khối lượng giao dịch thương mại điện tử có thể đạt 18 nghìn tỷ nhân dân tệ và kênh trực tuyến có thể chiếm hơn 9% tổng tiêu dùng bán lẻ.
Cạnh tranh kinh doanh trực tuyến ngày càng tăng
Tuy nhiên, với sự bùng nổ thương mại điện tử, việc cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng tăng, càng ngày càng khó kiếm khách hàng mới, giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc - Cao Lei cho biết.
"Với cùng một loại hàng hóa, thì có hàng chục ngàn người bán. Với ngay cả một sinh viên tốt nghiệp đại học, việc bán hàng online cũng rất khó khăn chứ đừng nói những người nông dân.", Cao Lei nói.
Song Fuqiang, 29 tuổi, người cùng làng với Liu và cũng bán sản phẩm len sợi cho biết năm nay, anh chịu rất nhiều áp lực và phải chi khoảng 680.000 nhân dân tệ cho quảng cáo cho gian hàng trên Alibaba, chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí hàng năm của anh.
Liu cũng cho biết lợi nhuận của mình không còn tăng mạnh như trước do cạnh tranh đến từ 9.000 người bán khác trong ngành.Tuy nhiên, nhìn chung, việc kinh doanh của anh vẫn phát triển và anh đã có thể mua một chiếc BMW cho vợ.
Liu cho biết: "Trước đây, vợ chồng tôi chỉ mong có cuộc sống đủ ăn và chỉ cần tiết kiệm được 50.000 nhân dân tệ. Nhưng nay kinh doanh trực tuyến đã thay đổi cuộc đời tôi".
Quỳnh Hoa