Nông dân “rỉ tai nhau” lên sàn

Trong khi một số doanh nghiệp thủy sản tại ĐBSCL gặp nhiều khó khăn về vốn do lãi suất quá cao thì những nông dân chính hiệu tại đây lại có tiền nhàn rỗi chưa biết đầu tư vào đâu.

Nông dân “rỉ tai nhau” lên sàn
Nhiều nhà đầu tư mới, trong đó có nhà đầu tư cá nhân tại An Giang, đã tham gia thị trường chứng khoán đợt tăng điểm mạnh đầu năm 2012.
 
Qua tìm hiểu tại các sàn chứng khoán ở đây, thật bất ngờ là trong đợt thị trường tăng điểm mạnh vừa qua (cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2012), tại thành phố Long Xuyên có khá nhiều nhà đầu tư cá nhân tìm đến các sàn chứng khoán để mở tài khoản giao dịch.

 

Ông Nguyễn Văn Bé - nhà đầu tư tại Long Xuyên - cho biết trước tình hình lãi suất tiền gửi ngân hàng đang giảm dần, đầu tư vào ao nuôi cá khá tốn kém lại còn bị doanh nghiệp nợ tiền bán cá, thì kênh đầu tư chứng khoán hiện tại vẫn được người dân lựa chọn vì giá nhiều loại cổ phiếu có tiềm năng đang còn khá rẻ.

 

Ông Bé cho biết thêm sau khi lo xong cơ nghiệp cho con cái, vợ chồng ông còn dư 5 tỉ đồng và đã quyết định đầu tư chứng khoán bằng tiền nhàn rỗi ky cóp được sau hàng chục năm kinh doanh phân bón và thuốc trừ sâu tại địa phương này. Từ đầu 2012 đến nay, những mã cổ phiếu ông mua vào đã đem lại lợi nhuận 20%.

 

Hiện tại, một ngày làm việc của ông Bé đã thay đổi so với trước: sáng lên sàn chứng khoán theo dõi bảng điện, chiều đi hội thảo cập nhật thông tin kinh tế vĩ mô.

 

Tương tự, chị Phan Thị Thu Phương - nhân viên Công ty Thanh Hải (Long Xuyên) - cho biết hiện phong trào đầu tư chứng khoán tại An Giang đang ngày càng nóng lên. Để lý giải, chị Phương cho rằng người dân An Giang sau bao nhiêu năm làm ăn theo phương thức truyền thống như trồng lúa, nuôi cá, buôn bán hàng điện tử, làm dịch vụ... đến nay đã có "của ăn của để". Vì vậy, việc đầu tư khi giá cổ phiếu còn thấp đã được người dân An Giang truyền tai nhau... "rần rần".

 

Theo bà Nguyễn Hồ Bảo Trân - giám đốc chi nhánh An Giang Công ty chứng khoán Kim Eng, sau một tháng hoạt động tại An Giang, chi nhánh Kim Eng đã đón hơn 500 nhà đầu tư cá nhân đến mở tài khoản giao dịch. Doanh số ngày khai trương đạt hơn 10 tỉ đồng và tiếp tục tăng lên từng ngày. Theo bà Trân, nhà đầu tư tại đây chủ yếu là những người kinh doanh lúa gạo, kinh doanh vàng và các hộ nuôi trồng thủy sản.

 

Bà Trân cho biết thêm An Giang là một địa phương tiềm năng để phát triển thị trường tài chính xứng tầm của khu vực miền Tây. Vì vậy, trong khi phong trào mở sàn chứng khoán tại các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM đang bão hòa; nhiều công ty chứng khoán đã mạnh tay đóng cửa các chi nhánh sàn chứng khoán tại các thành phố lớn thì tại các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, An Giang... đang mọc lên các sàn chứng khoán của các công ty mạnh về nghiệp vụ môi giới.

 

Hiện ngoài Công ty chứng khoán Kim Eng, các công ty chứng khoán HSC, VCBS... cũng đang đẩy mạnh hoạt động mở sàn giao dịch chứng khoán tại An Giang, Cần Thơ...

 

Tuy nhiên, ông Ngô Minh Đức - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang - cho biết khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư tại đây là việc thiếu thông tin ngành và thông tin vĩ mô cũng như kiến thức chuyên sâu về đầu tư chứng khoán. Nếu doanh nghiệp biết cách khắc phục những khó khăn này sẽ còn thu hút khá nhiều nhà đầu tư tìm đến với kênh chứng khoán trong bối cảnh kinh tế - xã hội tại địa phương này ngày càng phát triển. Môi trường đầu tư kinh doanh của An Giang đang ngày càng thu hút các doanh nghiệp trong nước đến làm ăn.

 

Cũng theo ông Đức, hiện toàn tỉnh An Giang có hơn 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 6.000 chi nhánh công ty, ngân hàng đang hoạt động. Trước tình hình các doanh nghiệp tại đây đang gặp khó khăn về vốn do lãi suất quá cao thì thị trường chứng khoán được coi là "phao cứu sinh" về vốn cho doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp thủy sản vì đây là kênh huy động vốn hiệu quả nhất.

 

Theo H.Nhựt
Tuổi trẻ