Nông dân nuôi heo giỏi nhưng thiếu nhà máy chế biến thịt chất lượng cao
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nông dân Việt Nam chăn nuôi heo giỏi nhưng khâu chế biến sau thu hoạch vẫn còn gặp nhiều hạn chế do số lượng nhà máy chế biến thịt vẫn còn "khiêm tốn".
Ngày 3/10, đại diện UBND tỉnh Long An cho biết, dự án Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn đã được khánh thành tại KCN Tân Đức, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An).
Ông Phạm Trung Lâm, đại diện chủ đầu tư của dự án cho biết, nhà máy chế biến thịt sạch có diện tích hơn 20ha, công suất lên tới 1,4 triệu con heo/năm với tổng số vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 1, tổ hợp chế biến thịt heo có quy mô sản xuất khoảng 155.000 tấn sản phẩm thịt mát và thịt chế biến từ thịt mát như giò lụa, giò thủ, chà bông...
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ, dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề được người dân vô cùng quan tâm. Đây là thách thức không chỉ ở tỉnh Long An mà còn là ở nhiều tỉnh thành khác.
“Nhà máy chế biến thịt là dự án trọng điểm của địa phương chúng tôi. Dự án đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu thịt sạch của người dân trong tỉnh cũng như TPHCM và nhiều tỉnh thành phố trên cả nước”, ông Cần nói.
Theo ông Cần, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh hiện nay là hơn 72 triệu đồng/năm. Long An luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, kinh doanh thuận lợi.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, việc nhà máy chế biến thịt đưa vào hoạt động trong hoàn cảnh hiện nay là điều vô cùng ý nghĩa. Bởi, Việt Nam và cả thế giới đều đang phải gồng mình chống dịch Covid-19.
Việt Nam đang đứng thứ 2 ở khu vực Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng GDP với mức tăng 2,12%. Trong đó, nông nghiệp là ngành có những “điểm sáng” nổi bật. 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 30,05 tỷ USD.
“Ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn đau đáu cái khiếm khuyết về chế biến sau thu hoạch. Doanh nghiệp nào giải quyết được vấn đề này thì cần cổ vũ mạnh mẽ. Đối với ngành chăn nuôi, Việt Nam đang có khoảng 30 triệu con heo, nông dân chăn nuôi rất giỏi. Tuy nhiên, việc chế biến thịt theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hóa đang còn rất yếu”, ông Bùi Xuân Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, hiện nay chỉ mới có 25% cơ sở chế biến thịt có hệ thống sản xuất tiên tiến dẫn đến sản phẩm chất lượng chưa cao.
Đơn cử như vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đàn heo 3,8 triệu con nhưng không có nhiều nhà máy chế biến thịt hiện đại. Việc đưa vào sử dụng nhà máy chế biến thịt công suất 1,4 triệu con (chiếm hơn 1/3 tổng đàn heo của vùng) sẽ tạo “cú hích” lớn cho ngành chăn nuôi.
Ông Cường nhận định, doanh nghiệp thành công thì người nông dân mới tăng thu nhập, vươn lên đổi đời. Ngoài thịt heo, Long An còn có nhiều lợi thế khác như đàn gia cầm lớn, diện tích cây ăn trái rộng, nguồn thủy hải sản phong phú…
Cũng theo ông Cường, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có 60 nhà máy chế biến thịt hiện đại với tổng trị giá đầu tư là hơn 2 tỷ USD.
Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, dự án nhà máy chế biến thịt có tầm quan trọng với tỉnh Long An nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng là một niềm vui đối với ngành nông nghiệp nước nhà.
“Vấn đề chế biến, bảo quản sau thu hoạch của ngành nông nghiệp đang khá yếu khiến giá trị của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Các cơ quan ban ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chế biến sâu sau thu hoạch. Nếu làm được điều này thì mỗi sản phẩm nông nghiệp sẽ có giá trị cuối cùng rất tốt, thậm chí gấp 2 – 3 lần sản phẩm thô”, nguyên Chủ tịch nước nhấn mạnh.