1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bến Tre:

Nông dân khốn đốn "chiến đấu" với... chuột đồng

(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều diện tích lúa của nông dân ở tỉnh Bến Tre bị chuột cắn phá gây thiệt hại lớn. Nông dân khốn khổ với loài “quái vật của mùa màng” vì chúng sinh sôi rất nhanh.

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre) cho biết tình trạng chuột cắn phá trên lúa vụ Thu - Đông năm nay tại tỉnh đang diễn biến phức tạp.
 
Toàn tỉnh có gần 21.000 ha lúa Thu - Đông, chỉ tính riêng huyện Ba Tri, số diện tích lúa bị chuột cắn phá gần 500 ha, phần lớn là lúa gieo sạ từ 35 - 40 ngày tuổi với tỉ lệ thiệt hại phổ biến từ 10 - 20%. Các địa phương còn lại bị nhẹ hơn và chưa có thống kê cụ thể.
 
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết: “Tình trạng chuột cắn phá lúa gây thiệt hại nặng nề cho nông dân và tiềm ẩn nguy cơ lây lan sang các huyện lân cận nếu việc diệt chuột không được chú trọng đúng mức và không hiệu quả”. Nguyên nhân của tình trạng trên là do huyện Ba Tri sản xuất lúa ba vụ khiến chuột có thức ăn quanh năm để sinh sôi, phát triển.
 
Người dân có tập quán tích trữ rơm cho bò ăn, tận dụng đất bờ bao, tiếp giáp ruộng lúa để trồng cỏ nuôi bò nên tạo điều kiện lý tưởng để chuột ẩn nấp, sinh sản. Hơn nữa, công tác diệt chuột đã không được các địa phương, người dân quan tâm đúng mức ngay từ đầu vụ.
 
 
Giăng bao ni lông xung quanh ruộng lúa để chuột không xâm nhập, cắn phá
Giăng bao ni lông xung quanh ruộng lúa để chuột không xâm nhập, cắn phá
 
Ông Nguyễn Văn Xuyên, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri cho biết: “Mấy năm nay phong trào nuôi bò ở địa phương phát triển rất mạnh nên hầu như diện tích đất trống đều được tận dụng để trồng cỏ. Đây là điều kiện lý tưởng để chuột sinh sôi phá hoại mùa màng”. Theo ông Xuyên, người dân đã sử dụng nhiều biện pháp để săn bắt chuột làm thực phẩm và góp phần tiêu diệt loài động vật phá hoài mùa màng nhưng vẫn không hiệu quả. Thông thường người dân săn bắt chuột bằng cách đào hang, đặt bẫy và cả việc sử dụng thuốc, xuyệt điện…
 
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân tuyệt đối không sử dụng bẫy điện vì nguy cơ đe dọa an toàn tính mạng, sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế sử dụng các loại thuốc diệt chuột độc hại…
 
Nông dân săn bắt chuột để bảo vệ mùa màng
Nông dân săn bắt chuột để bảo vệ mùa màng
 
Hiện Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đang có kế hoạch hướng dẫn chính quyền và người dân các địa phương thực hiện các biện pháp đồng bộ và thường xuyên hơn trong công tác diệt chuột nhằm ngăn chặn loài “quái vật của mùa màng” để góp phần bảo vệ diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đồng.
 
Minh Giang
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”