1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phú Yên

Nông dân đốt mía vì không ai mua

(Dân trí) - Những ngày qua, người trồng mía ở Phú Yên đứng ngồi không yên vì giá mía liên tục giảm. Thêm vào đó, nhà máy chậm thu mua, tư thương quay lưng, giá vận chuyển, nhân công tăng cao…buộc người dân đành “đốt bỏ”.

Người trồng mía ở Phú Yên lâm vào cảnh khó khăn

Theo số liệu thống kê của sở NN&PTNT, đến nay tỉnh Phú Yên có tổng diện tích vùng mía nguyên liệu là 23.800 ha. Hầu hết diện tích mía này đều đã đến kỳ thu hoạch, nhưng hiện tại chưa có người thu mua.

Đốt mía vì không có người mua

Đứng nhìn ruộng mía nhà mình cháy đen, ông Mai Thanh Hiền (nông dân ở xã Ealy, huyện Sông Hinh, Phú Yên) cho biết, ông vừa phải đốt bỏ hơn 1ha mía đang kỳ thu hoạch, vì không ai mua, ước tính thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Người dân đốt mía vì không ai mua
Người dân đốt mía vì không ai mua

“ Nhà tôi trồng được 2ha mía cách đây 1 tuần, tôi thuê người thu hoạch mía để xuất bán. Thế nhưng nhà máy trên chỉ mua vài xe, rồi nói trục trặc máy móc nên không mua ép nữa; mía tôi chặt xong phải chất đống dài ngày, khô như củi. Mía đã khô mà có chở đi bán trong lúc giảm giá này, thì chỉ có lỗ thêm tiền xe. Thế là tôi cho đốt để dọn dẹp đất, rồi tính trồng thứ khác…” - ông Hiền nói.

Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Tèo, người trồng mía xã Ealy, huyện Sông Hinh than thở: Mía quá khô. Người nông dân bây giờ làm cả năm chỉ trông chờ vào mía. Đến mùa thu hoạch mà chậm thế này thì khó khăn cho bà con quá. Nhiều hộ nông dân phải đành bỏ mía vì nếu thu hoạch sẽ bị lỗ do chi phí thu hoạch tăng quá cao. Cụ thể: giá nhân công thu hoạch là 300.000/nhân công/một ngày (năm 2017 giá nhân công chỉ hơn 200.000); giá xe trung chuyển mía cũng tăng lên 70.000 đồng (năm 2017 giá chỉ 40.000 đồng)…

Không đốt mà vận chuyển đi bán thì càng lỗ nặng
Không đốt mà vận chuyển đi bán thì càng lỗ nặng

Ông Nguyễn Minh Gia Nho, Chủ tịch UBND xã Ealy cho biết, giá mía cây đang rớt quá thê thảm. Nhà máy đường Tuy Hòa nói bị trục tặc kỹ thuật, chỉ ưu tiên mua mía trên diện tích đã đầu tư vốn. Nông dân trồng mía tại địa phương đang hết sức bức bí đầu ra. Xã có đến 1.800ha mía; năm trước thì giá mía cây 60 triệu đồng/ha, năm nay thì rớt còn 10 triệu đồng/ha; thử hói lấy gì mà ăn? Vụ này bà con trồng mía bị thua lỗ rất nặng” - ông Nho nói.

Nhà máy cam kết sẽ mua mía đã hợp đồng

Để giải quyết vấn đề khó khăn của người trồng mía, chiều 30/3, Ban điều hành Chương trình Mía đường, sắn Phú Yên tổ chức cuộc họp để giải quyết các vấn đề “nóng” xung quanh sản xuất, tiêu thụ các loại cây trồng này.

Tại cuộc họp này, ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, chính quyền địa phương đã vào cuộc hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trong tiêu thụ mía của nông dân.

Bên cạnh đó, ông Dạn cũng yêu cầu các nhà mía đường cần tìm đầu ra cho cây mía đường.

Ông Dạn nói “Dù có ký hợp đồng tiêu thụ hay không, nhà máy đường cũng phải có trách nhiệm với nông dân trong vùng nguyên liệu đã được quy hoạch. Đề nghị Công ty Mía đường Tuy Hòa phải thể hiện trách nhiệm cộng đồng, quan tâm mua hết mía cho nông dân trên địa bàn hoạt động. Không thể khi đường cao giá thì “o bế” nông dân, còn ngược lại thì… bỏ rơi” - ông Dạn nói.

Nhiều diện tích mía đã khai thác nhưng cũng đành nằm phơi nắng
Nhiều diện tích mía đã khai thác nhưng cũng đành nằm phơi nắng

Trả lời vấn đề này, ông Đặng Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Tuy Hòa cho hay, thời gian qua, đơn vị liên tục gặp sự cố máy móc nên giảm năng suất, chậm tiêu thụ mía của nông dân trong vùng nguyên liệu. Hiện tại, nhà máy đã ổn định hoạt động với công suất ép 3.000 tấn mía cây/ngày.

“Công ty cam kết sẽ mua hết mía của nông dân trong vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ mua trước cho các hộ nông dân đã có hợp đồng với nhà máy, tiếp đó là các diện tích còn lại. Dù đang gặp khó do đường tồn kho quá lớn nhưng công ty sẽ mua ép đến cây mía cuối cùng của nông dân trên địa bàn. Đề nghị Chính phủ cần có chính sách bảo vệ ngành đường trong nước trước việc lượng đường nhập khẩu quá lớn. Bên cạnh đó là vấn nạn đường nhập lậu, nhập tràn lan các loại chất tạo ngọt,… đang “giết chết” ngành mía đường trong nước” - ông Việt Anh nói.

Tương tự, ông Subbaiah - Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) cũng cam kết thu mua hết mía của nông dân trong vùng nguyên liệu.

“So với nhiều nhà máy khác, chúng tôi cố gắng mua mía với giá có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, rất mong bà con nông dân bình tĩnh chia sẻ với nhà máy đường trong lúc thị trường khó khăn. Việc hợp đồng giữa nông dân và nhà máy là để đảm bảo bao tiêu sản phẩm, giảm thiểu những khó khăn khi thị trường bất ổn. Một số nhà máy tỉnh khác chỉ vào Phú Yên mua mía sản xuất khi có lãi. Riêng chúng tôi cam kết cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm với nông dân trên địa bàn nhà máy đứng chân” - ông Subbaiah khẳng định.

Người dân chặt mía đã được hợp đồng bao tiêu
Người dân chặt mía đã được hợp đồng bao tiêu

Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Ban điều hành Chương trình Mía đường, sắn Phú Yên khẳng định, chính quyền đang có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất đường và nông dân trồng mía vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Với tinh thần chia sẻ trách nhiệm, yêu cầu các công ty sản xuất đường phải quan tâm mua hết mía cho nông dân trong vùng nguyên liệu. Hợp đồng bao tiêu sản chỉ là một vấn đề, điều quan trọng hơn là thực hiện hết trách nhiệm đã cam kết với nông dân. Doanh nghiệp phải chung sống lâu dài, chia sẻ lợi ích với người nông dân. Không để tình trạng nông dân phải để mía khô do bế tắc đầu ra. Vấn đề còn lại là các cơ quan chuyên môn phải đẩy nhanh các chương trình thâm canh, cơ giới hóa để hạ giá thành sản xuất mía. Các nhà máy phải đầu tư tạo thêm chuỗi sản phẩm sau đường để nâng cao giá trị gia tăng của ngành mía đường…”ông Thế nói.

Trung Thi

Nông dân đốt mía vì không ai mua - 5

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm