Kinh tế tuần qua:

Nóng chuyện "tỷ phú Vietlott" đến mối lo 75.000 tỷ đồng thuế môi trường

(Dân trí) - Tuần qua, Quốc hội khóa XIV bắt đầu khai mạc kỳ họp thứ 3, hàng loạt vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách được báo cáo. Trong khi vi phạm kỷ luật ngân sách vẫn nhức nhối thì đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng khiến chuyên gia lo ngại, người tiêu dùng sẽ phải đóng thêm 75.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc xác định được người trúng Jackpot 112 tỷ đồng, việc khởi tố bị can đối với nguyên Chủ tịch Vinaconex... cũng được dư luận quan tâm.

Nhiều nội dung kinh tế quan trọng được báo cáo Quốc hội trong tuần qua
Nhiều nội dung kinh tế quan trọng được báo cáo Quốc hội trong tuần qua

Nguy cơ mất trắng 5.000 tỷ đồng vì phá sản nhà máy đóng tàu

Trong báo cáo gửi tới các Đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, đối với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), có 3 phương án được xem xét để xử lý đối với doanh nghiệp này, bao gồm: Chuyển đổi sở hữu Công ty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ; Phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật và phương án tiếp tục tái cơ cấu Công ty DQS.

Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi..., bộ này đã đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật.

Đầu tuần qua, Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương. Theo đó, tính đến 31/12/2016 là 55.000 tỷ đồng trong khi tổng số lũy kế của 10 nhà máy là 16.100 tỷ đồng. Chính phủ khẳng định sẽ “xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan”.

Cũng trong tuần qua (ngày 22/5), Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can với ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinaconex.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của ông Phí Thái Bình có liên quan đến giai đoạn ông này làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex, chủ đầu tư dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà, trước khi về làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, luật gia Đỗ Đức Hồng Hà nhận định, vụ khởi tố bị can với nguyên lãnh đạo Vinaconex cho thấy quyết tâm loại bỏ tất cả vùng cấm cũng như những cá nhân “hạ cánh an toàn”. Vụ việc này cũng giải tỏa bức xúc của người dân Thủ đô.

Đề xuất tăng thuế môi trường khi lãng phí, vi phạm kỷ luật ngân sách vẫn nhức nhối

Liên quan đến vấn đề đang "nóng" hiện nay là đề xuất tăng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giới chuyên gia kinh tế đánh giá, phương án này cần phải được cân nhắc lại bởi xét ở góc độ ngân sách nó không thực sự cần thiết trong khi tăng thuế là đi ngược với xu hướng kích cầu và làm giảm chất lượng sống của người dân.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI cho biết: Khi thuế BVMT đối với xăng dầu tăng từ 1.000 tăng lên 3.000 đồng/lít, thu thuế BVMT đã tăng thêm 31.000 tỷ đồng, tương đương 0,9% tổng bán lẻ của năm 2016.

0,9% là con số lớn nếu so với tăng trưởng bán lẻ của 4 tháng đầu năm 2017 là 6,7%. Nếu tiếp tục tăng từ 3.000 lên 8.000 đồng/lít, người tiêu dùng sẽ phải đóng thêm 75.000 tỷ đồng, bằng 2,1% tổng bán lẻ.

Việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm bù đắp hụt thu ngân sách không nhận được ủng hộ của giới chuyên gia
Việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm bù đắp hụt thu ngân sách không nhận được ủng hộ của giới chuyên gia

Trong khi đó, một thông tin cũng đáng chú ý đó là, theo báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội, một số đơn vị trực thuộc các bộ, cơ quan trung ương được kiểm toán vẫn chưa kịp thời nộp vào Kho bạc Nhà nước các khoản phí, lệ phí thu được theo quy định.

Đáng nói là tình trạng thu phí, lệ phí vượt quy định hoặc thu thêm các khoản thu không có trong quy định vẫn tồn tại mặc dù Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nhiều năm về vấn đề này.

Còn báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì cho rằng, chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán. Tình trạng sai phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra khá phổ biến và chưa được khắc phục hữu hiệu, sai phạm vẫn xảy ra ở hầu hết các dự án được kiểm toán và hầu hết các khâu của quá trình đầu tư.

Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính. Trước đó, báo cáo của Chính phủ về kết quả xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quản lý tài chính - ngân sách cho hay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xử lý các hình thức kỷ luật đối với 402 tổ chức và 748 cá nhân, số còn lại đang xem xét, xử lý theo chế độ quy định.

Về tình trạng số lượng ô tô công dôi dư lên tới 2.300 chiếc nhưng nhiều đơn vị vẫn mua thêm, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, bên cạnh tình trạng lạm dụng ngân sách mua sắm tài sản công còn do ý thức tiết kiệm kém, có trường hợp dù không có nhu cầu nhưng các đơn vị vẫn cố mua bằng được vì đã nằm trong dự toán chi.

Một người siêu may mắn đã trúng tới 112 tỷ đồng nhờ mua xổ số
Một người "siêu may mắn" đã trúng tới 112 tỷ đồng nhờ mua xổ số

Người được đền bù, kẻ thì trúng số tiền tỷ

Một thông tin thu hút dư luận tuần qua: Kết quả quay số mở thưởng kỳ 132 diễn ra chiều 24/5 đã xác định được 1 giải đặc biệt (Jackpot) với dãy số trúng thưởng là: 08 - 20 - 25 - 27 - 30 - 33. Với dãy số này, người trúng giải sẽ nhận số tiền "khủng" hơn 112 tỷ đồng.

Theo xác nhận của Vietlott, vé trúng thưởng được phát hành vào sáng ngày 24/5 tại một đại lý thuộc quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đây là lần thứ 4, vé trúng Jackpot được phát hành tại Thủ đô và có giá trị cao nhất kể từ khi sản phẩm 6/45 ra mắt tại Việt Nam.

Mới đây, một người phụ nữ bị bỏng nghiêm trọng sau khi nắp của một tách cà phê Starbucks bị bật tung làm cà phê đổ vào phần bụng, cô đã được Starbucks bồi thường 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng).

Bích Diệp (tổng hợp)