Nóng chuyện lương thưởng, thù lao
Chuyện thù lao, lương, thưởng đối với HĐQT, ban kiểm soát và ban điều hành của các doanh nghiệp niêm yết được nhiều nhà đầu tư quan tâm trước mỗi mùa ĐHCĐ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Muôn kiểu thưởng…
Thường thì đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, các khoản thù lao, lương thưởng cho ban lãnh đạo dễ dàng được cổ đông thông qua. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp lại có cách tính thù lao, thưởng khác nhau.
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sài Gòn (GMC) cho biết, trong năm 2012, Công ty đạt 60 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 5 tỷ đồng so với kế hoạch được ĐHCĐ thông qua. Theo nghị quyết ĐHCĐ GMC, nếu hoàn thành kế hoạch, Công ty sẽ trích thưởng 4% lợi nhuận và nếu hoàn thành vượt mức thì sẽ trích thưởng thêm 10% số lợi nhuận vượt kế hoạch.
“Trong tổng số tiền thưởng đó, Công ty sẽ dành 70% cho các CBCNV chủ chốt và 30% cho các thành viên HĐQT”, ông Hùng nói và cho biết, hiện Công ty vẫn đang xây dựng kế hoạch chung cho năm 2013, nhưng liên quan đến khoản thưởng chung, Công ty dự kiến sẽ chỉ trích tối đa bằng năm 2012.
Cũng hoàn thành kế hoạch, nhưng CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) cho biết, năm 2012, Công ty sẽ trích 1,18% lợi nhuận để trả thù lao HĐQT và ban kiểm soát, tỷ lệ này cũng đã được ĐHCĐ thông qua. Trong năm 2013, dù chưa đưa ra tỷ lệ trích thưởng cụ thể, nhưng Công ty dự kiến sẽ đặt tỷ lệ tương đương năm 2012.
Năm vừa qua, CTCP Bia Hà Nội – Hải Dương (HAD) hoàn thành vượt 100% kế hoạch, đạt khoảng 40 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ông Trần Huy Loãn, Phó tổng giám đốc HAD cho biết, đối với khoản thưởng dành cho HĐQT và ban điều hành, Công ty không áp dụng tỷ lệ cố định mà linh hoạt theo từng năm và căn cứ vào kết quả kinh doanh thực tế. HAD thường trích 5% đến 8% phần lợi nhuận vượt kế hoạch để thưởng cho HĐQT.
Một số doanh nghiệp lại tính thưởng cho HĐQT và ban kiểm soát không dựa trên lợi nhuận mà dựa trên doanh thu, như trường hợp của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – Vinaconex (VCG), áp dụng từ năm 2011.
Tại ĐHCĐ của một doanh nghiệp trong năm 2012, một số cổ đông đã phản đối về việc Doanh nghiệp dành 3% lợi nhuận sau thuế để thưởng cho HĐQT và ban kiểm soát. Lãnh đạo doanh nghiệp này giải thích rằng, khoản thưởng đó không phải chỉ “vào túi” HĐQT và ban kiểm soát, mà thực tế, Công ty phải dùng một phần trong đó để bù vào những khoản chi cho việc chung mà không thể hạch toán vào đâu được.
… và không thưởng
Ông Dương Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà 9 (SD9) cho biết, ngoài thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát, Công ty chỉ thưởng thêm khi hoàn thành vượt kế hoạch. “Năm 2012, SD9 ước đạt lợi nhuận trước thuế trên 64 tỷ đồng, hoàn thành 99% kế hoạch, nên Công ty sẽ không thưởng thêm cho HĐQT”, ông Thắng nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp thuộc “họ” Vinaconex cho biết, năm nay, kết quả kinh doanh của Công ty đạt rất thấp so với kế hoạch, nên Công ty sẽ giảm thù lao, cắt khoản thưởng đối với HĐQT. Đối với một số khoản thưởng nhất định, sau khi “đặt lên bàn cân”, Công ty đã quyết định chi, nhưng đó đều không phải là những khoản tiền đáng kể.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, khi doanh nghiệp hoàn thành và vượt mức kế hoạch thì được thưởng, vậy trong trường hợp doanh nghiệp đạt kết quả thấp, thua lỗ thì có nên phạt hay không? Theo họ, có như vậy thì ban lãnh đạo mới nỗ lực hết mình.
Thông thường, các doanh nghiệp sẽ trích một phần, phổ biến khoảng 1% lợi nhuận để trả thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát và 3% đến 5% (mức lợi nhuận vượt kế hoạch, nếu có) để thưởng. Với tình hình thực tế năm qua, số doanh nghiệp có lãnh đạo, điều hành “mất thưởng” là khá nhiều. Về phía cổ đông, họ cần nhận được sự “đồng cam cộng khổ” của ban lãnh đạo khi công ty hoạt động khó khăn bằng việc cắt giảm thù lao cũng như giảm đến mức tối đa các khoản thưởng.
Theo Hoàng Anh
ĐTCK