"Nóng" chuyện làm giàu của ông Giám đốc Sở và thói tiêu xài tầng lớp đại gia giàu xổi
(Dân trí) - Tuần qua nổi lên những chia sẻ "giật mình" của ông Phạm Sỹ Quý về quá trình làm giàu, xây biệt phủ và trang trại nhờ vay được ngân hàng lên tới 20 tỷ đồng. Trong khi đó, một thống kê cho thấy, Việt Nam đang là một trong số các quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới, trong đó, có tầng lớp những người giàu xổi, thấy kiếm tiền dễ, thích tiêu xài, khoe của.
Giám đốc Sở vay 20 tỷ đồng xây biệt phủ
Trả lời báo chí ngày 29/6, ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) tỉnh Yên Bái cho biết, ông phải vay ngân hàng 20 tỷ đồng để xây biệt phủ và trang trại.
Phân tích về khoản vay này, các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trừ những trường hợp đặc biệt, thu nhập của người vay phải vào khoảng 150 - 200 triệu đồng mỗi tháng mới được ngân hàng cho vay 20 tỷ đồng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, khoản vay 20 tỷ đồng là một khoản vay lớn. Vậy ngân hàng phải nắm rõ người vay sẽ dựa vào nguồn thu nhập nào để trả cả một phần gốc và lãi vay hàng tháng? Theo phán đoán của ông Thịnh, tiền lương của một Giám đốc Sở như ông Quý chắc chắn không đủ để trang trải khoản vay này mà chắc phải có thêm các thu nhập bổ sung...
Ngoài biệt phủ gây tranh cãi ở Yên Bái, gia đình ông Quý còn sở hữu nhiều đất đai, trang trại, chung cư cao cấp ở Hà Nội và một ô tô Camry.
Ông Quý kể: “Thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ. Tôi chả thiếu nghề gì trên đời. Năm thứ 3 đại học thì tôi cùng chung với bạn mở xưởng đóng giày ở Ngã Tư Sở. Mọi người đừng nhìn ở hình ảnh ngày hôm nay mà nên tìm hiểu cả quá trình”.
"Đại gia Việt giàu xổi nên thích khoe của"
Theo một thống kê, Việt Nam đang là một trong số các quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới. Trong số đó, không ít người sẵn sàng vung tiền để sở hữu cả chục chiếc siêu xe, thưởng thức những món ăn hay dịch vụ xa xỉ.
Đánh giá về thói quen tiêu xài của những người lắm tiền nhiều của, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chia những người siêu giàu ra làm 3 loại.
Dạng thứ nhất, những đại gia giàu lên nhờ lập doanh nghiệp, điều hành kinh doanh giỏi hay sáng tạo công nghệ, đầu tư tài chính bằng chất xám.
Dạng thứ hai, những người giàu xổi, kiếm được nhiều tiền nhờ buôn chuyến, chụp giật đầu cơ, đầu tư buôn bán gặp thời. Ở một số nước kém phát triển, khi quản lý kinh tế chưa được hoàn thiện, những người này còn liên quan đến lợi ích nhóm, quan hệ với quan chức thoái hóa, lợi dụng để phát triển.
Dạng thứ ba là những nghệ sĩ nổi tiếng có thu nhập vượt trội.
Riêng ở dạng thứ hai, ông Hiển nhận định: Nhà giàu xổi làm giàu trên những cơ hội nên thấy việc kiếm tiền rất dễ. Họ chỉ cần đồng tiền đẻ rất nhanh và nhiều, nhưng ngược lại, họ không cảm nhận được tầm sâu văn hóa nên tiêu xài xa xỉ để khoe và thỏa mãn sự ngưỡng mộ của công chúng. Họ biết công chúng không ngưỡng mộ họ vì trí tuệ mà vì tiền, cho nên họ càng phải xài để có sự ngưỡng mộ ấy.
Tuy nhiên, việc "chạm" vào những sở thích, vật dụng của giới "đại gia" có lúc cũng đã gây ra những tình huống dở khóc dở cười. Ví dụ như vụ việc một khách du lịch Trung Quốc đã bị hoảng loạn và ngất xỉu sau khi cô vô tình làm vỡ một chiếc vòng ngọc có giá 300.000 nhân dân tệ (tương đương 44.110 USD hay hơn 1 tỷ đồng) tại một cửa hàng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Hay như sự thật củ tam thất gần 2kg bị anh Kiên - một đầu mối buôn bán sâm Ngọc Linh và tam thất nổi tiếng ở Hà Giang vạch trần. Chẳng là, anh Kiên được chào mời mua một củ tam thất hoang nặng gần 2 kg, giá 40 triệu đồng. Nếu gật đầu, anh có thể bán trao tay ngay cho khách mua về ngâm rượu với giá từ 80-100 triệu đồng. Còn nếu bán dưới mác sâm Ngọc Linh thì giá lên tới nửa tỷ.
Cuối cùng, anh Kiên đã từ chối. Lý do, củ tam thất hoang đó là tam thất hoang bị thúc tăng trọng lượng. Không thích chiêu trò buôn gian bán lận, anh bảo nếu bán hàng kém chất lượng, chỉ được 1-2 lần là mất hết khách.
Trong khi hiếu kỳ về thế giới đại gia, dư luận cũng quan tâm đến những vấn đề gắn với đời sống thường nhật, như chuyện đi lại, chuyện giá điện liệu có tăng.
Đa số dân Việt chưa có ô tô, dịch vụ đi chung của Grab, Uber bị "tuýt còi"
Theo một báo cáo khảo sát về thị trường ô tô của Công ty Tư vấn chiến lược Solidiance, thị trường ô tô Việt Nam đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng: 38% tính từ năm 2012 - 2016. Đây là mức tăng trưởng cao nhất nếu so với các nước trong khu vực như: Malaysia, Thái Lan và Indonesia...
Mặc dù vậy, điều này cũng không giấu được thực tế là tỷ lệ sở hữu ô tô/1.000 dân của Việt Nam vẫn còn rất thấp. "Giá ô tô tại Việt Nam vẫn cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực là một nguyên nhân", Công ty Solidiance phân tích.
Với những người có nhu cầu di chuyển bằng ô tô nhưng chưa có xe riêng lại thêm một lần nữa thất vọng vì các dịch vụ xe taxi giá rẻ như GrabShare, UberPOOL mới đây đã bị Bộ Giao thông Vận tải "tuýt còi".
Cụ thể, bộ này đã yêu cầu Uber và Grab ngừng cung cấp dịch vụ đi chung xe. Động thái của Bộ GTVT đưa ra trên cơ sở quy định mỗi chuyến xe chỉ được thực hiện 1 hợp đồng vận chuyển khách, Bộ này khẳng định sẽ xử lý mạnh tay vi phạm của Uber, Grab.
Tại hội nghị đối thoại về vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử diễn ra ngày 28/6, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - cho rằng, Uber và Grab sử dụng chiêu thức khuyến mãi, giảm giá tức là sử dụng tiền để “mua” khách hàng, điều này vi phạm quy định của pháp luật.
Theo ông Bình, taxi truyền thống bị 13 “vòng kim cô” treo trên cổ (13 quy định - PV), còn xe hợp đồng thì không, Grab và Uber không bị ràng buộc gì về các quy định như taxi truyền thống, như thế là không công bằng.
Tuy nhiên, đại diện Grab Taxi phản pháo, đơn vị này quan tâm tới quyền lợi người tiêu dùng, mỗi người dùng đều có thể phản ánh và công ty sẽ xử lý ngay. Tổng số lượng xe và các chương trình khuyến mãi đều được báo cáo đầy đủ.
Một diễn biến đáng chú ý liên quan đến hai đơn vị này: Cục cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế cung cấp tài liệu, văn bản liên quan đến việc thu thuế của 2 doanh nghiệp vận tải Uber và Grab.
Trước đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp taxi truyền thống phải “gánh” rất nhiều loại thuế, phí, trong khi đó xa Uber, Grab lại hưởng thuế chỉ 4-5% doanh thu - mức “chênh lệch” khá xa so với mức thuế mà các doanh nghiệp taxi truyền thống đang phải đóng.
Cụ thể, chỉ tính riêng 30.000 xe taxi ở Hà Nội và TPHCM, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp phải đóng cho Nhà nước 2.000 tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, với 31.000 xe hợp đồng đang hoạt động như taxi, phần lớn tham gia loại hình ứng dụng công nghệ như Uber, Grab thì trung bình mỗi năm ngành thuế chỉ thu được 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, một thông tin đáng chú trong tuần qua đó là việc EVN đã được cho phép tăng giá điện không cần báo cáo trong phạm vi 3-5%
Theo Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ vừa được phê duyệt, trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Bích Diệp