1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Nói thị trường trong nước giá thấp là phiến diện”

(Dân trí) - “Một số công ty nói thị trường trong nước chỉ là giá thấp, đây là một nhận định phiến diện” - ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu khẳng định xung quanh vấn đề phát triển thị trường nội địa và thương hiệu quốc gia.

“Nói thị trường trong nước giá thấp là phiến diện” - 1
Ông Võ Văn Quang.
 
Là chuyên gia thương hiệu, theo ông trong thời buổi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để giữ được hình ảnh của mình?
 
Khi mà thị trường đang đi xuống, cái chúng ta có thể cắt giảm được là ngân sách quảng cáo nhưng đây là thời điểm tốt nhất để xây dựng chiến lược và đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp.
 
Một việc nữa là thiết kế bộ mặt thương hiệu của mình. Lâu nay chúng ta nắm bắt thị trường, phát triển rất vội vàng, luôn tiến về phía trước, nhưng bộ mặt của chúng ta chưa được thiết kế một cách chuyên nghiệp.
 
Ý tôi muốn nói hệ thống nhận diện sản phẩm từ logo công ty tới bao bì sản phẩm, card, giao diện thương hiệu… cần được phân tích lại, định nghĩa lại hình ảnh thương hiệu một cách chuyên nghiệp.
 
Có không sự khác biệt trong việc xây dựng thương hiệu giữa thị trường nội địa và nước ngoài?
 
Khi một công ty có chiến lược, thì họ đã có ý thức vừa phát triển thị trường nội địa vừa phát triển thị trường xuất khẩu, xây dựng quảng bá thương hiệu ra nước ngoài.
 
Trong đó, họ luôn có ý thức phát triển tốt thị trường trong nước, hệ thống phân phối quảng bá, xây dựng những sản phẩm phù hợp cho thị trường trong nước, chứ ko phải đợi đến khi khủng hoảng mới nhìn ra là thị trường trong nước là quan trọng.
 
Thị trường trong nước cũng giống như thị trường nước ngoài, dưới góc độ maketting thì nó cũng đi từng bước từ nghiên cứu thị trưòng, phân khúc, rồi đinh vị sản phẩm, giá và sau đó là quảng bá.
 
Theo ông, cần phải làm gì để phát triển thị trường trong nước?
 
Cho phép tôi không nói là làm gì vì chúng ta chưa phân tích thị trường. Cũng như thị trường nước ngoài, thị trường trong nước phải có những phân khúc khác nhau, rõ ràng thì chúng ta mới biết chứ.
 
Có những doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường nước ngoài. Ông có nghĩ đây là lợi thế khi họ phát triển thị trường nội địa?
 
Ở đây có hai vấn đề, một là xây dựng thương hiệu trên sân nhà bao giờ cũng dễ hơn trên sân khách vì mình là người Việt Nam. Người Việt Nam với tư cách là người tiêu dùng cũng có tình cảm sẵn có nào đấy dành cho thị trường Việt Nam.
 
Vấn đề thứ hai là phân biệt thương hiệu trong nước với thương hiệu quốc tế có những quan điểm khác nhau. Hiện nay, chúng ta chưa phải là một quốc gia dẫn đầu thế giới về xây dựng sản phẩm, vì thế có rất nhiều tên thương hiệu xây dựng theo tên quốc tế, điều đó ko có gì lạ cả.
 
Để xây dựng một thương hiệu rất tốn kém, trong khi đa số các doanh nghiệp trong nước mới ở quy mô vừa và nhỏ. Ông nghĩ các doanh nghiệp có làm được không?
 
Đúng vậy, làm thương hiệu là một việc tốn kém. Vì thế mới có vấn đề chúng ta nói là thương hiệu tập thể, thương hiệu hiệp hội, đó là những giải pháp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa mà tự mình xác lập thương hiệu thì phải hết sức khôn ngoan, chuyên nghiệp, phải tìm ra cái tên thương hiệu rất đẹp, rất độc đáo.
 
Điều quan trọng khi xây dựng thương hiệu là gì?
 
Thương hiệu có bản sắc thì người ta sẽ nhớ đến mình, chúng ta cần tìm ra dấu ấn riêng, cá tính riêng, hình tượng riêng của mình, thậm chí cả tính cách con người, tính cách dân tộc. Tất cả những yếu tố đó tạo ra bản sắc nhưng bản sắc đó phải thể hiện bằng hình ảnh vì làm thương hiệu ko thể nói miệng được.
 
Xin cám ơn ông!
 
Lan Hương