“Nội soi” sức khỏe ngân hàng sau ba năm tái cơ cấu
(Dân trí) - Sau 3 năm tái cơ cấu (TCC) hệ thống NH, các chuyên gia kinh tế đã “chỉ mặt đặt tên” những điều làm được, những hạn chế và phát sinh cần có hướng giải quyết.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tái cơ cấu (TTC) đã được thực hiện ở ba chân kiềng của nền kinh tế: đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng (NH). Tuy nhiên, TCC trong NH đang đi nhanh, đi mạnh. Hai lĩnh vực trên hụt hơi và cực kỳ chậm chễ. Đáng lưu ý, việc các NH thương mại (NHTM) Nhà nước đang được “ưu đãi” theo hai cơ chế: TCC theo NH và theo cả diện DNNN.
Vượt đổ vỡ hàng loạt và điểm sáng VAMC
Kể từ thời điểm năm 2011, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam thường xuyên rơi vào tình trạng không ổn định. Lạm phát tăng cao, giá bất động sản và giá vàng tăng liên tục đã tác động xấu tới niềm tin của công chúng vào đồng nội tệ. Nguyên nhân chính khiến người gửi tiền và nhà đầu tư chuyển tiền nhàn rỗi của mình vào các kênh như: bất động sản, vàng. Xu hướng này khiến các NH đã gặp khó khăn về vốn huy động trong khi vẫn mở rộng tín dụng, hạ lãi suất.
Năm 2011, khi Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có hiệu lực hệ thống các NH Việt Nam đã bắt đầu quá trình TTC theo Đề án được ban hành. Riêng đối với các NHTM, đề án chia các ngân hàng thành 02 nhóm đối tượng: NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần, trong đó NHTM cổ phần lại được chia thành 03 nhóm: Nhóm ngân hàng lành mạnh, nhóm ngân hàng thiếu thanh khoản tạm thời và nhóm ngân hàng yếu kém.
Có thể nói, ưu điểm lớn nhất của các phương án tái cơ cấu trong giai đoạn này là không dùng đến Ngân sách Nhà nước – 1 đặc điểm mà nhiều nước trên thế giới thực hiện, các NH tự nguyện sáp nhập hoặc dùng vốn của nhà đầu tư, tập đoàn tư nhân nước ngoài. Minh chứng là việc TTC NH yếu kém, trong 9 NH đã cơ bản TTC xong đều do sáp nhập và tự các NH giải quyết, NSNN không nhúng tay như: TCC của Ngân SCB, Đệ Nhất và Đại Tín; sáp nhập NH Tiên Phong Bank - Doji, Habubank - SHB, Pvcombank - Ngân hàng Phương Tây, Navibank…
Về cơ bản, các mục tiêu đến năm 2015 trong đề án tái cơ cấu các TCCD đã được thực hiện. Đến nay, thành công chính của quá trình tái cơ cấu hệ thống NH nổi bật nhất ở việc đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo ổn định ngành, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô. Ba nhóm mục tiêu quan trọng nhất cuối cùng là mua bán, sáp nhập các TCCD, tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hoạt động và quản trị đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng cần có thời gian và những giải pháp để giải quyết triệt vì đây là một việc khó đối với bất kể quốc gia nào, theo PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG HN.
Điểm sáng lớn nhất hiện nay trong việc tái cơ cấu hệ thống NH chính là việc thành lập công ty mua bán nợ VAMC và các hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu đã ra đời, tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu ở các giai đoạn sau của tái cơ cấu. Tính đến cuối tháng 7/2014, VAMC đã mua được gần 54 ngàn tỷ đồng nợ xấu.
Nghịch lý: thừa ngân hàng, nhà nông thiếu vốn
Có thể nhìn nhận, nếu so sánh với thông lệ quốc tế, quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam là cách tiếp cận phi hệ thống, chưa định hình được hệ thống NHVN sau tái cơ cấu sẽ như thế nào, theo các lộ trình tương ứng về: Số lượng Ngân hàng, loại hình hoạt động (đa năng hay chuyên doanh), mô hình hoạt động của Ngân hàng Đầu tư, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng chính sách xã hội, theo TS Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học QGHN (VERP),
Theo nhiều chuyên gia, thành thị là nơi tập trung hơn 90% số lượng các ngân hàng, đa phần vốn phục vụ cho khu vực này, trong khi nông thôn, nơi người dân – chủ trang trại, những người khao khát làm ăn kinh tế, vay vốn, tiếp cận vốn lại quá khó. Bất động sản là ngành có tăng trưởng tín dụng rất mạnh, nợ xấu kỷ lục, trong khi đó tín dụng cho nuôi trồng, chăn nuôi lại rất thấp. Chăn nuôi quy mô nhỏ, trang trại nhỏ - nông trại, quy mô hộ gia đình chỉ được tiếp cận tín dụng ở các tổ chức quỹ tín dụng địa phương. Theo ý kiến của chuyên gia của Ngân hàng HSBC, số lượng ngân hàng hiện ở tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Thừa do có quá nhiều ngân hàng cho nền kinh tế và thiếu do không có đủ các ngân hàng hoạt động hiệu quả giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của hệ thống NH chính là giải quyết nợ xấu và tăng cường năng lực quản trị điều hành sau TCC. Tỷ lệ nợ xấu đến thời điểm hiện nay, vẫn có nhiều thông tin khác nhau, con số tin cậy là 10,3%. Theo thông lệ quốc tế, một trong những dấu hiệu khủng hoảng dẫn đến tái cơ cấu là tỷ lệ nợ xấu cao, ví dụ như Thái Lan (năm 1997 là hơn 50%), Hàn Quốc ( 1998 là hơn 40%) và Trung quốc (năm 1999 hơn 10%), thì với tỷ lệ nợ xấu khoảng 10% như đã công bố thì đây chưa hẳn là một tỷ lệ trầm trọng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không chỉ là nợ xấu chính xác là bao nhiêu mà nợ xấu đã và sẽ được giải quyết như thế nào.
Trong 7 ẩn số của TS Thành, cho đến thời điểm này, sau gần 3 năm thực hiện tái cơ cấu, có duy nhất 1/7 ẩn số đã được làm sáng rõ, đó là là vai trò của công ty mua bán nợ với sự ra đời của VAMC, nhiều giải pháp khác chỉ tỏ rõ vai trò trong ngắn hạn và còn mơ hồ. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khẳng định, không thể chỉ trông chờ vào việc giải quyết nợ xấu của hệ thống NH qua VAMC vì nợ xấu lại được mua bằng trái phiếu đặc biệt trong vòng 5 năm, nên sau 5 năm, VAMC không bán được khoản nợ xấu đó thì khoản nợ xấu này lại được chuyển giao về ngân hàng, “nợ hoàn cố chủ”.
Một trong những vấn đề lớn hiện nay, TCC hệ thống NHTM chưa song hành cùng TCC đầu tư công và DNNN. So với trụ cột tái cơ cấu hệ thống NH, 2 trụ cột còn lại vẫn được xem là chậm tiến triển nhất. Điều này có nghĩa là nếu 2 trụ cột còn lại không được đặt song hành với tái cơ cấu NH thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả tái cơ cấu hệ thống NH vì có đến 60% các khoản nợ xấu NH là của các DNNN, nếu các DNNN không được thay đổi về chất thông qua tái cơ cấu, mà chỉ chuyển nợ từ các NH sang VAMC thì khả năng trả nợ của các DNNN không đổi, mà chỉ là xử lý về mặt kỹ thuật để làm trong sạch bảng cân đối kế toán của các NH. Do vậy, tái cơ cấu NH, xét trên một góc độ dài hạn và tổng thể, không thể tách rời khỏi tái cơ cấu đầu tư công và DNNN.