Nỗi niềm khó nói của những "đại gia" thất thế...

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ rất muốn hưởng ứng chủ trương mua lại dự án nhà ở để TP chuyển sang nhà ở xã hội nhưng lại không thể công khai tất cả các khoản phí hình thành dự án vào giá bán cho chính quyền…

Nỗi niềm khó nói của những đại gia thất thế...
Để hình thành một dự án đã có giấy phép thì có hàng loạt khoản phí mà chủ đầu tư không thể nói ra...
 
Khác với các chủ đầu tư nườm nượp đăng ký chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, các doanh nghiệp có dự án nhà ở đang triển khai tỏ ra ngại ngần khi bán lại dự án các dự án nhà ở của mình cho chính quyền. Theo thống kê, Hà Nội hiện tại có 7 dự án xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội trong đó có các đại gia đầu ngành như Vinaconex, HUD, Nam Cường tuy nhiên hiện tại chưa có doanh nghiệp nào bán lại dự án cho TP để chuyển đổi thành nhà ở xã hội.
 
“Đến giời phút này chưa có một chủ đầu tư nào đăng ký bán lại dự án để thành phố làm công tác chuyển đổi sang nhà ở xã hội, dù chúng tôi đã ra văn bản cách đây 3 tháng đề nghị các chủ đầu tư có nhu cầu bán dự án thì liên lạc với Sở Xây dựng Hà Nội. Có thể, các chủ đầu tư đã bán được một phần lớn khối lượng các căn hộ nên họ tiếp tục theo hướng này”, GĐ sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng nói trong cuộc giao ban báo chí Thành ủy.

Để thực hiện chủ trương mua lại dự án của các doanh nghiệp, lãnh đạo sở Xây dựng cho hay sở Xây dựng có thể sẽ đề nghị với thành phố dành ra một khoản chi phí để thẩm định dự án doanh nghiệp muốn bán lại, nhằm đánh giá đúng chất lượng và nhu cầu.
 
“Bởi ở nền kinh tế thị trường chúng ta không thể áp đặt khách hàng, cho dù là nhà ở xã hội”, ông Hùng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết, tổng hợp nhu cầu nhà ở của 118 đơn vị thì có tới hơn 163 nghìn người đăng ký. Với khối các cơ quan trung ương thì có 35 đơn vị gửi số liệu với nhu cầu 157 nghìn cán bộ có nhu cầu, còn các cơ quan thuộc Hà Nội có 83 đơn vị gửi số liệu với hơn 36 nghìn người có nhu cầu.
  
Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo công ty bất động sản cho rằng không phải doanh nghiệp không muốn bán lại dự án cho nhà nước để chuyển đổi thành nhà ở xã hội mà muốn bán cũng rất khó. Nói rõ hơn vấn đề, vị lãnh đạo này cho hay, khi nhà nước mua lại sẽ lập ra ban thẩm định giá, khi đó tất cả các giá thành đầu vào dự án đều phải được công khai.
 
“Để hình thành một dự án từ chủ trương đầu tư tới giấy phép xây dựng thì mất hàng loạt phí, phí lớn phí bé… Không phải khoản phí nào cũng rõ ràng có hóa đơn để cung cấp cho bên thẩm định được”, lãnh đạo doanh nghiệp muốn giấu tên cho biết.
 
Mặc dù không có thống kê cụ thể về phí bôi trơn, tuy nhiên con số 44 % trong tổng số 1.058 DN được khảo sát cho hay phải trả chi phí không chính thức do đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết tại hội thảo “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng tại Việt Nam” cũng nói lên nhiều điều. Có ý kiến cho rằng, với các doanh nghiệp bất động sản thì  có tới 15-20% thậm chí tới 30% tổng mức đầu tư dự án được phục vụ cho quá trình “chạy” và “bôi trơn” dự án.
 
T.Chí