Nồi cơm điện dùng 17 năm vẫn bán được hơn 1 triệu đồng

(Dân trí) - Sự mặc định đồ nội địa Nhật là hàng tốt, bền đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Việt Nam. Vì thế, nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả triệu bạc để mua 1 chiếc nồi cơm điện cũ, mặc cho tuổi của cái nồi cơm ấy đã gần “trưởng thành”.

Lời quảng cáo của người bán hàng

Ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng các mặt hàng điện tử cũ của Nhật đã từ hàng chục năm nay. Nhưng với sự phát triển của Internet thì vài năm gần đây, việc rao bán tủ lạnh, nồi cơm, máy lạnh cũ của Nhật trở nên hết sức tràn lan. Thậm chí, người mua cứ lên mạng là thấy có người bán đồ cũ Nhật.

Lang thang tìm kiếm trên các trang bán hàng ở các khu đô thị, không khó để bắt gặp cảnh rao bán hàng Nhật cũ, hàng xài rồi, hàng second-hand.


Rao bán tràn lan trên mạng

Rao bán tràn lan trên mạng

Trong vai 1 người mua hàng, phóng viên đã tìm đến nhà riêng của một người rao bán nồi cơm điện Nhật cũ trên Facebook. Đến đây, trên sàn được bày khá nhiều nồi cũ đã bị móp méo, bị xước do quá trình vận chuyển từ Nhật về.

Đây mới chỉ là một phần, kho của người bán được quảng cáo là ở trong miền Nam
Đây mới chỉ là một phần, kho của người bán được quảng cáo là ở trong miền Nam

Tuy nhiên, người bán hàng vẫn niềm nở trấn an rằng “Nồi tuy có móp méo nhưng vẫn dùng tốt. Cũng cùng số tiền bỏ ra để mua nồi, thì dùng loại nồi này sẽ thích hơn hẳn loại nồi mới bình thường kia.”

Bên trái là nồi mới tại siêu thị, còn bên phải là hàng cũ được người bán quảng cáo giống y hệt nhau
Bên trái là nồi mới tại siêu thị, còn bên phải là hàng cũ được người bán quảng cáo giống y hệt nhau

“Nồi nội địa Nhật mới giá gần 10 triệu đồng, trong khi nồi cũ này vẫn “mới” 80 – 90%, mà giá chỉ bằng 1/10, tội gì không mua!?”, người bán hàng mau miệng phân tích.

Tiện đà đông khách, người bán hàng còn khoe: “Hàng đã qua sử dụng nhưng nấu cơm vẫn ngon, độ bền không phải sợ. Vì, chất liệu hàng Nhật luôn đứng đầu so với các nồi cơm khác với công nghệ cao tần, nấu cơm hàng đầu rồi các bác nhé!”

Nồi này xước xát khá nhiều nhưng là chiếc mới nhất ở đây
Nồi này xước xát khá nhiều nhưng là chiếc mới nhất ở đây

“Mua hàng của em được bảo hành như hàng mới luôn, bảo hành 12 tháng, có hỏng hóc gì cứ mang qua em sửa. Trong 1 tháng đầu nếu có hỏng hóc gì cứ mang qua em đổi cái khác cho.”, người bán nói.

Nói sửa là thế nhưng người bán vẫn nói thẳng, “Hàng này rất ít khi hỏng lắm, khi đã hỏng là hỏng luôn.”

Đời sâu nhưng giá vẫn chát

Cùng đến xem hàng có anh Đ.H. Linh, là một bộ đội nhưng thường xuyên phải đứng bếp vì vợ đi làm về muộn. Muốn cải thiện bữa ăn gia đình nên anh Linh cũng muốn mua một chiếc nồi cơm điện nấu cơm ngon, thấy quảng cáo nồi cơm Nhật cũ giá rẻ, lại gần nhà nên ghé qua xem hàng.

Xem xét một lúc, anh Linh cho biết: “Gioăng cao su của nồi vẫn còn khá tốt, ruột khá nặng nhưng bị xước xát nhiều nên khi nấu cơm dễ bị dính nồi. Để dùng thì vẫn có thể dùng được, nhưng thực sự có tốt hơn nồi cơm điện mới ngang giá thì không nói được.”

Gioăng cao su vẫn còn tốt
Gioăng cao su vẫn còn tốt
Ruột nặng và dày nhưng nhiều cái đã bị xước
Ruột nặng và dày nhưng nhiều cái đã bị xước

“Còn một điều băn khoăn nữa, đó là, đời của những chiếc nồi cơm điện này cũng khá sâu. Chiếc mới nhất cũng đã từ năm 2013, còn cũ nhất thì là tận năm 2000. Thế nhưng, nồi nửa lít từ năm 2005 vừa nãy cũng đã có người vào mua với giá 900.000 đồng. Thậm chí, nồi sản xuất từ năm 2000, chủ hàng này đã bán được với giá 1,2 triệu đồng.”, anh Linh cho biết thêm.

Khi PV quay lại hỏi chủ hàng về “năm sản xuất, thương hiệu hãng có ảnh hưởng tới giá của nồi cơm Nhật cũ này không?”, thì người chủ này cho hay: “Với loại nồi cũ này chỉ cần còn sử dụng được là được, còn lại giá bán hầu như chỉ phụ thuộc vào dung tích và hình dáng bên ngoài.”

Móp méo do vận chuyển
Móp méo do vận chuyển

“Nồi nhỏ 0,5 lít thì giá dao động 700 – 850 nghìn đồng, nồi to nhất 1,8 lít sẽ có giá 1,6 triệu đồng. Nồi mới nhất đời 2013, hình thức còn đẹp thì giá sẽ cao hơn, vào khoảng 1,4 – 1,5 triệu đồng.”, chủ cửa hàng liệt kê giá.

Tuy nhiên, muốn sử dụng được thì cần phải có bộ chuyển đổi vì đồ nội địa Nhật cũ, hầu hết đều sử dụng điện 100V hoặc 110V. Người bán sẽ tranh thủ quảng cáo thêm để bán kèm và trấn an khách bằng cách chế dây điện thêm dụng cụ để tránh cắm nhầm điện 220V.

Bộ chuyển đổi tự chế có giá 400.000 đồng
Bộ chuyển đổi tự chế có giá 400.000 đồng

Như tại đây, một bộ chuyển đổi của Lioa được chủ hàng bán với giá 450.000 đồng. Còn, bộ chuyển đổi do người bán hàng tự chế sẽ rẻ hơn 50.000 đồng và được quảng cáo chất lượng không thua gì hàng công ty.

Chị Trần Thùy Linh, là kế toán cho một công ty cơ khí, cũng đến để xem hàng, cho biết: “Người bán quảng cáo khá nhiều về công dụng của nồi như nấu cơm ngon mà nhanh chỉ 20 phút; chế độ hâm nóng, nấu cháo mấy ngày không ảnh hưởng gì; hầm xương không mất giọt nước nào và nước sẽ trong, không đục như loại khác; dễ vệ sinh tháo lắp; không phải đổ nước dư như nồi nhiệt;...”

Chế thêm để tránh cắm nhầm điện
Chế thêm để tránh cắm nhầm điện
Ghi chú cách sử dụng bằng Tiếng Việt
Ghi chú cách sử dụng bằng Tiếng Việt

“Đồ nội địa Nhật xách tay hay mua mới thì mình không ý kiến gì. Còn mua đồ cũ đa phần là bị người bán "lên tinh thần”, người mua sẽ mua món đồ đó với tâm lý là mình đã mua được món đồ cũ nhưng tốt hơn, bền hơn đồ mới đang bán ở Việt Nam nhiều lần, mà quan trọng lại còn rẻ hơn nữa. Nên nói thật mình cũng băn khoăn vì giá cũng đã ngang ngửa một chiếc nồi mới có rõ nguồn gốc xuất xứ.”, chị Linh chia sẻ.

Bắt giữ nhiều vụ buôn lậu hàng nội địa Nhật cũ


Thu giữ hàng lậu tại cảng

Thu giữ hàng lậu tại cảng

Về chất lượng và nguồn gốc rõ ràng của mặt hàng này thì hiện nay vẫn chưa thể kiểm soát được nhưng chủ yếu vẫn là nhập lậu. Các đối tượng sử dụng các thủ đoạn "làm cũ" hàng mới để trốn thuế.

Đầu năm nay, theo thông tin từ C46 (Cục Cảnh sát Kinh tế phía Nam - Bộ Công An và Công an tỉnh Bình Dương) vừa triệt phá và bắt giữ lượng hàng hoá nhập lậu số lượng lớn vận chuyển bằng tàu về cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Số lượng hàng lậu được xác định là rất lớn, ban đầu xác định 8 container hàng đi đường biển nhập từ nước ngoài có chứa hàng nghìn sản phẩm điện tử, điện lạnh có xuất xứ Nhật Bản, các nước Châu Âu đã qua sử dụng, trị giá ước tính gần 10 tỷ đồng.

Các đối tượng đã núp dưới hình thức hàng quá cảnh từ Nhật Bản, Châu Âu qua cảng Cái Mép tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu mà đích đến là Campuchia.

Tuy nhiên, sau khi làm thủ tục hải quan tại Việt Nam, các đối tượng buôn lậu đã tập kết hàng tại tỉnh Bình Dương, cắt kẹp chì, tổ chức xuống hàng, sau đó đem đi cất giấu tại nhiều kho hàng trên địa bàn TP.HCM.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm