Nợ xấu, xấu đến đâu?
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng nóng, cùng với chất lượng quản lý tín dụng không tốt là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của nợ xấu.
Quỹ VAH (Vietnam Alternative Holdings) với quy mô dự kiến 100 triệu USD do Công ty Quản lý quỹ VietinBank (VietinBank Capital) và Saigon Asset Management Corporation (SAM) đang gầy dựng, dự kiến cuối năm nay sẽ tham gia mua bán nợ và các tài sản nợ của tổ chức tín dụng.
“Quỹ dự kiến mua nợ xấu của ngân hàng để “tân trang” lại rồi bán, có thể mua nợ xấu từ nhóm II trở đi, song không loại trừ các khoản nợ vẫn ở nhóm I hay những khoản vay vẫn đẹp song chủ nhân của nó muốn bán để bước chân sang ngành khác”, Tổng giám đốc VietinBank Capital Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ. Với tình hình nợ xấu đang có xu hướng gia tăng, các tổ chức trung gian như VAH sẽ có nhiều việc để làm.
Theo Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng vào thời diểm tháng 8/2011 là 3,1%, tăng so với mức 2,16% vào cuối năm 2010 và có khả năng lên tới 5% vào cuối năm 2011.
Cụ thể hơn, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tăng 66,18%, nhóm các ngân hàng cổ phần tăng 44,29%, nhóm ngân hàng liên doanh, 100% vốn nước ngoài tăng 59,23% so với cuối 2010. Đó là chưa tính đến một lượng lớn vốn của tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhưng chưa được đánh giá và trích lập dự phòng đầy đủ đang tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Một đặc điểm của ngành ngân hàng là tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng huy động và tăng trưởng GDP làm tăng rủi ro thanh khoản. Tín dụng tăng trung bình 32% trong giai đoạn 2000-2010, huy động tăng 29%, trong khi GDP chỉ tăng trung bình 7,15% trong giai đoạn này.
Theo thống kê của NHNN, trong tỷ lệ 2,5% nợ xấu toàn ngành của năm 2010 có tới 60% là nợ xấu của các doanh nghiệp quốc doanh.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thực tế đang có sự khác biệt tương đối lớn trong phân loại nợ theo chuẩn Việt Nam (VAS) và theo chuẩn quốc tế (IAS) nên các con số nêu trên chưa chỉ rõ được tình trạng sức khỏe các tổ chức tín dụng.
Theo NHNN, con số nợ xấu 3,1% theo chuẩn Việt Nam vẫn ở mức an toàn và kiểm soát được, nhưng theo chuẩn quốc tế tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam lên tới 13% tổng dư nợ và là một con số đáng lo ngại.
Báo cáo phân tích rằng hầu hết các NHTM tại Việt Nam hiện nay đều phân loại nợ dựa vào định lượng mà thiếu đi phần định tính như tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc phân loại nợ không phản ánh thực chất khoản nợ. Đồng thời, các ngân hàng chỉ xếp phần nợ đến hạn không trả được vào nợ xấu, trong khi phần còn lại của khoản nợ vẫn là nợ đủ tiêu chuẩn.
Trong khi đó, theo chuẩn quốc tế, nếu phần nợ đến hạn không trả được thì toàn bộ khoản nợ phải được xếp vào nợ xấu. Ngoài ra, một số ngân hàng còn biến nghiệp vụ gia hạn nợ, vốn là một nghiệp vụ bình thường của ngân hàng thành một hình thức để giảm tỷ lệ nợ xấu của mình do nợ gia hạn không được tính vào nợ xấu.
Không ít ngân hàng đã hạn chế phân loại nợ xuống nhóm III-V để tránh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tránh ảnh hưởng đến lợi nhuận của mình. Kết quả là sự chênh lệch giữa phân loại nợ xấu theo chuẩn trong nước và quốc tế ngày càng lớn.
Mặc dù NHNN đã đưa ra quy định về việc phân loại nợ theo Quyết định 493/2005 trong đó bao gồm cả phân loại theo định lượng (điều 6) và định tính (điều 7) song chỉ có BIDV, Agribank và Vietcombank đã thực hiện việc phân loại nợ theo định tính. Nguyên nhân là do họ phải xây dựng được hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để áp dụng phương pháp phân loại này.
Việc phân loại nợ theo định tính sẽ làm tỷ lệ nợ xấu cao gấp 2-3 lần so với định lượng và bản thân nó cũng gặp phải nhiều điểm bất cập. NHNN trong cuộc gặp với các NHTM mới đây cho biết họ đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động của tổ chức tín dụng nhằm thay thế Quyết định 493 đã lỗi thời.
Theo Hồng Phúc
TBKTSG