Nợ xấu và thanh khoản chưa thể thở phào

(Dân trí) - Trước Quốc hội sáng nay 13/11, Thống đốc Bình khẳng định, nợ xấu có thể giải quyết được nhưng không phải là việc dễ dàng. Tính đến ngày 30/9, tổng nợ được cơ cấu lại đã tăng lên 252.000 tỷ đồng.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay 13/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy nguy cơ nợ xấu từ tháng 8/2011 và nguy cơ nợ xấu đang tăng lên rất nhanh.

Tuy nhiên, theo khẳng định của Thống đốc Bình, nếu quyết tâm xử lý thì nợ xấu có thể chững lại và không tăng nữa. Vấn đề nợ xấu có thể giải quyết được nhưng không phải dễ dàng.

Thống đốc Bình: Có thể xử lý được nợ xấu (ảnh: Việt Hưng).
Thống đốc Bình: "Có thể xử lý được nợ xấu" (ảnh: Việt Hưng).

Nợ xấu tăng 66%

Trả lời đại biểu Quốc hội về con số chính xác nợ xấu hiện nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, với 3 số liệu về nợ xấu (của tổ chức tín dụng, NHNN và tổ chức quốc tế), số liệu đáng tin cậy nhất là số liệu của cơ quan Nhà nước.

Theo số liệu của tổ chức tín dụng, đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 4,93%, nhưng theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu khoảng 8,82%. Nợ xấu cũng liên tục tăng từ năm 2008 đến nay, đến tháng 10/2012, nợ xấu tăng khoảng 66%.

Cũng theo Thống đốc Bình, nợ xấu tăng cao như hiện nay là do 5 nhóm nguyên nhân chính: Do các tổ chức tín dụng cho vay vốn; do doanh nghiệp đi vay; do cơ chế về chính sách, môi trường trong và ngoài nước; do thanh tra, giám sát của ngành ngân hàng và các lĩnh vực khác.

Về phía ngân hàng thương mại (NHTM), trách nhiệm của các NHTM là lớn nhất. Việc tăng trưởng tín dụng quá nóng trong thời gian vừa qua đã khiến chất lượng tín dụng không tốt, khi môi trường kinh doanh xấu đi thì nợ xấu ắt phải gia tăng. “Tăng trưởng tín dụng nóng cũng được coi là bong bong”, Thống đốc nói.

Thời gian qua, NHNN đã tổ chức thanh tra giám sát ở một số tổ chức tín dụng (TCTD). Nhiều TCTD báo cáo nợ xấu chỉ 1-3% nhưng khi thanh tra giám sát thì có TCTD có nợ xấu lên đến vài chục phần trăm. Điều này để thấy rằng, trách nhiệm về nợ xấu trước hết của TCTD, nợ xấu tăng cao gây tổn thất cho ngân hàng thì ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro.

Đã xử lý được 12.000 tỷ đồng nợ xấu

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để giảm nợ xấu, như: cơ cấu lại nợ với thời hạn, lãi suất thích hợp. Trong tháng 4 vừa qua, NHNN đã ban hành văn bản 780 về cơ cấu nợ cho DN và đã đem lại kết quả rất ấn tượng.

Đến 30/6, tổng số nợ cơ cấu lại chỉ khoảng hơn 36.000 tỷ, nhưng đến 30/9, số nợ được cơ cấu lại lên 252.000 tỷ đồng. Với dư nợ tín dụng cỡ 2,7 triệu tỷ đồng, số nợ đã cơ cấu lại đến 30/9 chiếm xấp xỉ 8%.

“Nếu không có giải pháp quyết liệt như này, nợ xấu của các tổ chức tín dụng không chỉ là 4,93%”, Thống đốc nói.

Cũng theo đánh giá từ Thống đốc NHNN, các tổ chức tín dụng đã thực hiện trích lập dự phòng tốt. Từ đầu năm đến nay, số dự phòng rủi ro đã được trích lập là 75.000 tỷ đồng; trong đó có 12.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý từ số dự phòng đã trích lập này.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát nợ vay và tính số dự phòng. Tổ chức nào không trích đủ dự phòng thì không được chia cổ tức.

Về xử lý tài sản đảm bảo, theo Thống đốc NHNN, trong khoảng 2,7 triệu tỷ đồng dư nợ của toàn nền kinh tế thì 73% có tài sản đảm bảo, với 66% được đảm bảo bằng bất động sản. Tính chung tổng dư nợ có đảm bảo bằng bất động sản chiếm khoảng 46%.

Theo báo cáo của tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu là 4,93%, trong số nợ xấu đó có 80% có tài sản đảm bảo (57% được đảm bảo bằng bất động sản).

Do vậy, Thống đốc cho rằng, xử lý nợ xấu cần có sự phối hợp với các bộ ngành, như Bộ Xây dựng để xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Thị trường bất động sản phải xử lý được lượng tồn kho, bởi hiện nay bất động sản không có người mua.

Ngoài ra, xử lý nợ xấu cũng có sự hỗ trợ từ phía Bộ Tài chính, chính quyền địa phương để xử lý tồn đọng xây dựng cơ bản, khoảng 93.000 tỷ đồng…
 

Thanh khoản ngân hàng còn mỏng và bấp bênh

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng nay về câu hỏi vì sao lãi suất còn cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong những tháng đầu năm, lãi suất còn cao, nhưng đến tháng 6/2012, lãi suất huy động đã giảm rất nhanh về còn 9%/năm. Theo đó, tỷ trọng dư nợ lãi suất trên 15%/năm cũng giảm mạnh, trước ngày 15/7, tỷ lệ này dao động từ 65 - 70%, đến nay chỉ còn chưa đến 20%.

Cũng theo thông tin từ Thống đốc Bình, trong hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam, hàng ngày thường xuyên có 50 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sử dụng vốn cao hơn huy động vốn, dẫn đến lãi suất bị đẩy lên cao. Ngoài ra, lạm phát rình rập tăng trở lại cũng gây áp lực lên lãi suất.

Nói về thanh khoản của hệ thống ngân hàng, vị tổng tư lệnh ngành dùng các từ “hết sức mỏng” và “bấp bênh” dù thanh khoản đã được cải thiện. Năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn trong hệ thống ngân hàng lên tới hơn 100%, dẫn đến thiếu thanh khoản. Nay tình hình này đã được cải thiện, tỷ lệ sử dụng vốn dao động từ 93 - 96%, nhưng chưa chắc chắn.

Trên quốc tế, tỷ lệ sử dụng vốn chỉ khoảng 30 - 70%, còn 30 - 40% còn lại sẽ dùng để đầu tư vào công cụ có thanh khoản cao, trong khi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đầu tư vào tín dụng.

Cũng trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tính đến ngày 30/6 khoảng 3,36%. Từ nay tới cuối năm, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ đạt khoảng 5%.

Nguyễn Hiền