1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nợ xấu trong tín dụng BT, BOT giao thông khả năng tiếp tục tăng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng với dự án BT, BOT giao thông đang đối mặt với khả năng nợ xấu tiếp tục tăng lên do năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế, khó có khả năng hỗ trợ dự án...

Nợ xấu trong tín dụng BT, BOT giao thông khả năng tiếp tục tăng  - 1

Ngân hàng Nhà nước cho rằng để hỗ trợ nền kinh tế, cần đẩy mạnh hơn việc thực hiện các giải pháp tài khóa, thực hiện các cơ chế đặc thù (Ảnh: Thu Hương).

Nợ xấu các dự án BOT, BT giao thông đối mặt việc tăng cao sắp tới

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm.

Đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73% (cuối năm 2020 là 1,69%). Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý là 78,86 nghìn tỷ đồng. Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro là 33,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 42%; thông qua bán nợ là 18,66 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,7%; khách hàng trả nợ là 20,55 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,11%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu đến cuối tháng 6 là 3,66%. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).

Đáng chú ý, theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đang phải đối mặt với khả năng nợ xấu tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Nguyên nhân được cơ quan này nhận định là hầu hết nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế; khó có khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động trái chiều. Nhiều dự án sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu khi chính sách thu phí không ổn định (giảm phí theo chỉ đạo của Chính phủ, chưa được tăng phí theo lộ trình theo hợp đồng dự án...).

Bên cạnh đó, việc mất an ninh, trật tự tại trạm thu phí dẫn đến nhiều dự án chưa được thu phí hoặc phải dừng thu phí; lưu lượng xe giảm do xuất hiện các tuyến đường song hành.

Ngoài ra, theo Ngân hàng Nhà nước, việc ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt đợt bùng phát lần thứ 4, nhiều tỉnh trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa giảm mạnh.

Không chỉ BOT, BT, Ngân hàng Nhà nước cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong ngành thương mại dịch vụ như ngành vận tải, ngành dịch vụ lưu trú ăn uống, ngành du lịch... gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh gây áp lực cho ngành ngân hàng như nguy cơ nợ xấu tăng, việc xem xét cho vay mới gặp khó khăn do năng lực tài chính của khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh,...

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng đối mặt với nhiều khó khăn do quy mô vốn nhỏ, thiếu vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị doanh nghiệp hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu tài sản bảo đảm; DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ.

"Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng", Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế gần tới hạn

Nhận định về khó khăn, vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước cho biết rủi ro áp lực lạm phát tăng cao trong các tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022 là hiện hữu bởi hàng loạt nguyên nhân như: Xu hướng tăng của giá nhiên liệu thế giới; khả năng phục hồi của giá thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc và gia cầm tươi sống trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ở mức cao; (chuỗi cung ứng trong nước và thế giới bị đứt gãy, khả năng phục hồi chậm so với tốc độ tăng của tổng cầu khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng, quy mô tín dụng đã rất lớn (dư nợ hiện trên 9,8 triệu tỷ đồng). Việc cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) vẫn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, từ đó luôn tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn), kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống tổ chức tín dụng

Do đó Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường vốn, từng bước thay thế kênh tín dụng trung dài hạn của hệ thống ngân hàng theo chủ trương và lộ trình của Chính phủ.

Việc sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện đã gần tới hạn do lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ở mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây. Nhiều thời điểm lãi suất liên ngân hàng sát 0%. Nguy cơ tăng nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cảnh báo rủi ro suy giảm chất lượng bảng cân đối của các tổ chức tín dụng trong nước do tác động của dịch Covid-19 và có thể dẫn đến nguy cơ giảm hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Ngoài ra hệ thống tổ chức tín dụng vẫn đang tiếp tục cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang gia tăng xu hướng thu lại các giải pháp nới lỏng tiền tệ để giảm bớt rủi ro lạm phát. Do đó theo Ngân hàng Nhà nước, để hỗ trợ nền kinh tế, cần đẩy mạnh hơn việc thực hiện các giải pháp tài khóa, thực hiện các cơ chế đặc thù như đã nêu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm