Nợ xấu, trích lập dự phòng của ACB tăng mạnh kéo lợi nhuận đi ngang
(Dân trí) - Khác với nhiều ngân hàng, lợi nhuận quý III của ACB chỉ tương đương so với cùng kỳ năm 2020 khi khoản trích lập dự phòng tăng mạnh.
Lợi nhuận đi ngang vì trích lập dự phòng tăng mạnh
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với kết quả lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ. ACB là một trong những nhà băng hiếm hoi không tăng trưởng lợi nhuận.
Thu nhập lãi thuần của ACB trong 3 tháng vừa qua tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2020, đạt 4.521 tỷ đồng. Thu nhập lãi từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng cũng tăng mạnh gần 30%, đạt 636 tỷ đồng.
Đặc biệt, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của nhà băng này tăng mạnh tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm trước lên 183 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng mạnh 142% lên 92 tỷ đồng.
Cộng thêm nguồn thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, hoạt động khác, tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong kỳ của ACB đạt 5.690 tỷ đồng, cao hơn gần 30% so với cùng kỳ 2020.
Dù vậy, chi phí hoạt động cũng tăng 30% cùng với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 4 lần so với cùng kỳ lên tới 820 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ACB chỉ đạt 2.616 tỷ đồng, đi ngang so với mức lãi của quý III/2020.
Nếu chỉ tính riêng kết quả kinh doanh của ngân hàng mẹ, lãi trước thuế của ACB thậm chí còn sụt giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 2.360 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, tổng lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng ACB vẫn tăng mạnh 40% so với cùng kỳ, đạt 8.968 tỷ đồng, nhờ kết quả tích cực của 6 tháng đầu năm. So với mục tiêu lợi nhuận 10.602 tỷ đồng đề ra năm nay, ACB đã hoàn thành 85% kế hoạch sau 3/4 chặng đường.
Nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt
Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ACB đạt hơn 479.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2020. Ngân hàng này vẫn giữ vị thế một trong các nhà băng tư nhân đứng đầu về quy mô tài sản.
Cũng tương tự bức tranh chung của ngành ngân hàng, tăng trưởng huy động của ACB sau 3 quý tương đối thấp, chỉ vỏn vẹn 4%. Tổng quy mô tiền gửi khách hàng tại nhà băng này đến cuối tháng 9 đạt 365.770 tỷ đồng.
Trong khi đó, dư nợ cho vay của ngân hàng tăng 8%, đạt 336.492 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu của nhà băng này tăng mạnh hơn 50% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ACB theo đó tăng từ 0,6% lên 0,8% sau 9 tháng.
Trong các nhóm nợ của ACB, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn 200% lên 639 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng gần 80% lên 724 tỷ đồng trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 20% lên 1.460 tỷ đồng. Dù chưa nằm trong nhóm nợ xấu, tuy nhiên nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của ACB cũng tăng vọt hơn 300% lên 2.432 tỷ đồng.
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết ACB đã trích lập dự phòng cho toàn bộ khoản dư nợ tái cơ cấu tính đến hết quý III thay vì phân bổ khoản trích lập dự phòng trong vòng 3 năm theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, khoản dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ tăng cao nhưng đồng thời là cơ hội giúp ngân hàng có thể hạn chế sự suy giảm chất lượng tài sản trong tương lai.