Nợ xấu nhìn từ những vụ xiết nợ

Việc 7 ngân hàng cùng cử “đội hình” xuống canh kho hàng của Công ty Trường Ngân (Bình Dương) đã tạo ra một hình ảnh hoàn toàn khác lạ về ngân hàng.

Cách thức “dàn quân” giữ chặt kho hàng của doanh nghiệp không đồng nhịp với hình ảnh hiện đại, năng động và thân thiện mà các ngân hàng đang cố xây dựng.

 

Lãnh đạo một ngân hàng khi trao đổi đã thừa nhận, để sự việc “rùm beng” là việc “cực chẳng đã” với bất kỳ ngân hàng nào. Khách hàng của một ngân hàng cỡ trung hiện nay được tính tới đơn vị hàng triệu người gửi tiền và vay tiền hoặc sử dụng dịch vụ. Với số lượng khách hàng lớn như vậy, hình ảnh của mỗi ngân hàng trong mắt công chúng trở lên vô cùng “nhạy cảm”. Chính vì vậy, không ngân hàng nào muốn trở thành bị đơn hay nguyên đơn trong các phiên tòa, hay bị đưa thông tin xấu trên các phương tiện truyền thông…

 

Còn nhớ trong vụ việc tại Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco), không ít ngân hàng đã rất cân nhắc, và phải chờ đến lúc buộc phải có giải pháp cuối cùng mới công khai tên tuổi mình trong vai trò chủ nợ.

 

Cũng theo vị lãnh đạo trên, việc vay không trả được nợ là việc ngân hàng nào cũng có. Thường thì hai bên sẽ ngồi lại, cố gắng tìm giải pháp, nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều cách thức đòi nợ “tiêu cực” hơn. Xử lý kho hàng hay cổ phiếu thế chấp chỉ là một chuyện, nếu để ý một chút, tại không ít khu đất hay công trình đã xuất hiện thêm những dòng chữ: “Đây là tài sản của ngân hàng A, B…”. Thực chất đây cũng là hậu quả của những vụ đòi nợ từ ngân hàng.

 

Quay lại với câu chuyện “cực chẳng đã” nêu trên, có thể thấy, nợ xấu đang thực sự trở thành nỗi lo lớn nhất. Tìm mọi phương thức thu hồi nợ là cách mà nhiều nhà băng buộc phải chọn để đảm bảo cho tiền của mình, bất chấp hình ảnh có bị xấu đi.

 

Theo báo cáo cuối tháng 4/2013 của các ngân hàng, nợ xấu tiếp tục tăng bình quân là 3,94%/tháng và đang thực sự “xấu hơn” khi không ít các khoản nợ đã chuyển sang nhóm xấu nhất (nhóm 5) tức là nợ có khả năng mất vốn. Con số này có tính bản chất và ý nghĩa hơn con số báo cáo tổng nợ xấu của toàn hệ thống có thể xử lý ngày là hơn 70 ngàn tỷ đồng nhờ quỹ dự phòng.

 

Nợ xấu tiếp tục tăng và nợ xấu chuyển sang xấu hơn có nguyên nhân quan trọng do sức khỏe doanh nghiệp yếu hơn, nhưng cũng cần lưu ý tới các tài sản đảm bảo là các công trình, máy móc… có tính chất càng để lâu càng xuống cấp.

 

Cách xử lý nợ xấu tốt nhất vẫn là nhanh phục hồi lại sức khỏe của cả nền kinh tế, nhưng ở góc độ ngành ngân hàng thì rất cần sớm vận hành Công ty Quản lý tài sản (VAMC), sớm triển khai gói hỗ trợ thị trường BĐS 30.000 tỷ bởi BĐS vẫn là tài sản thế chấp chủ yếu của hệ thống ngân hàng.

 

Theo Người quan sát

ĐTCK