Nở rộ mua bán chung cư mini không phép
Bất chấp rủi ro về pháp lý cũng như an toàn, nhiều khách hàng vẫn lựa chọn căn hộ chung cư mini tư nhân.
Giá cao vẫn hút khách
Tại ngõ 337 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) có rất nhiều chung cư mini từ 3 đến 5 tầng. Bà Hương, chủ sử dụng đất căn hộ chung cư mini tư nhân 5 tầng, cho biết gia đình bà có mảnh đất hơn 200m2 tách ra làm đôi, một bên xây nhà cho gia đình, một bên xây lên 5 tầng, mỗi tầng 4 phòng, diện tích 30m2.
Quan sát tòa chung cư mini của bà Hương dễ dàng thấy đa số người mua đều là gia đình trẻ có một con nhỏ. Các hộ gia đình trong tòa nhà sử dụng chung sân để xe rộng chừng 10m2, cổng chung, thang bộ và không có hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Chị Huỳnh Ngọc Thu (nhân viên bán hàng siêu thị TopCare) chia sẻ: “Cả hai vợ chồng cố gắng lắm mới có 500 triệu đồng để mua nhà cách đây 2 năm. Cũng đã đi tìm đủ nhà từ tập thể cũ cho tới nhà cấp 4 nhưng số tiền đó không mua được. Lúc đó vợ chồng tôi cũng băn khoăn vì không làm được sổ hồng, nhưng cái chính là nó vừa với túi tiền của mình, chủ tòa nhà ở ngay bên cạnh nên mình cũng yên tâm.”
Chị Thu cho biết thêm, căn hộ ngay cạnh nhà chị vừa được hai vợ chồng bán lại với giá hơn 1 tỷ đồng. “Chẳng cần sổ đỏ, sổ hồng, thậm chí còn phải làm hai hợp đồng mua nhà với chủ cũ và chủ mới nhưng người có nhu cầu vẫn mua” - chị Thu nói.
Vòng qua khu Trần Cung (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), nhiều chung cư mini đua nhau mọc lên trong các ngõ ngách sâu được chào bán với giá 1,3 tỷ đồng/căn, diện tích 47m2.
Ông Hùng (chủ tòa nhà ngõ 89 Trần Cung) cho hay: “Tòa nhà 20 căn của chúng tôi mới xây chỉ còn có một căn duy nhất trên tầng 5 còn trống. Nếu ưng ý thì đặt tiền cọc trước vì nhiều người hỏi lắm. Khu này xa trung tâm nên mới có giá thế, chứ bây giờ lên mấy khu trung tâm như Đống Đa, Tôn Đức Thắng... giá trên 1,5 tỷ đồng/căn mà diện tích cũng chỉ 40m2 đổ lại.”
Ông Hùng chỉ vào căn nhà 3 tầng khang trang bên cạnh khu mini 5 tầng nói: “Nhà tôi ở đây cả đời nên cứ yên tâm về mặt pháp lý vì đã có hợp đồng. Riêng chuyện sổ đỏ thì hiện tại chưa có nhưng tôi nghĩ trong thời gian tới Nhà nước cũng sẽ lưu ý mô hình nhà kiểu này. Kinh doanh người ta mới cần sổ đỏ nọ kia chứ để ở thì cần gì.”
Quản thế nào?
Ông Vũ Mạnh Cường - Trưởng phòng Quản lý nhà ở (Bộ Xây dựng) - cho biết: “Việc cấm nhà chung cư mini hiện nay rất khó vì nhu cầu nhà ở dạng này rất lớn. Muốn tránh rủi ro cho người mua chỉ còn cách hạn chế loại hình nhà ở này.”
Theo ông Cường, nhà xây sai quy định thì xử phạt hành chính. Phải đưa thêm chế tài xử phạt đối với trường hợp xây dựng trái phép để có cơ sở để xử phạt. Tăng cường kiểm tra từ khâu thiết kế, kể cả trường hợp đã xin giấy phép. Chính cơ quan cấp phép phải thanh tra, kiểm tra xem dạng nhà kiểu này có đủ điều kiện xây dựng hay không.
“Thực tế người mua bị lừa bởi chủ chung cư mini thì bản thân người mua phải tỉnh táo chứ chính sách nhà nước chưa thể đảm bảo được. Có những trường hợp biết là rủi ro nhưng vẫn mua. Bộ Xây dựng không khuyến khích dạng nhà kiểu này nhưng cũng không bỏ được. Vì vậy bây giờ chỉ đặt ra vấn đề đưa ra hành lang pháp lý để người ta làm thôi” - ông Cường nói.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết, Sở đang kiến nghị UBND thành phố, Bộ Xây dựng về quản lý chặt chung cư mini bởi hiện nay các chung cư mini đều không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, quy hoạch chưa phù hợp.
Khó cấp sổ đỏ Luật sư Bùi Quang Hưng - Văn phòng luật sư BQH và cộng sự - cho biết, rất nhiều nhà chung cư mini xây không đúng giấy phép cho nên không xin được giấy chứng nhận sở hữu. Người mua rất khó xin cấp sổ đỏ. Khi xảy ra tranh chấp, người mua phải chịu thiệt hại. Chủ đứng tên sổ đỏ bán căn hộ bằng giấy viết tay thì quyền thế chấp căn hộ cho ngân hàng vẫn thuộc về chủ đầu tư. Khi không trả nợ được ngân hàng, chủ đầu tư sẽ bị ngân hàng kiện và lấy tài sản đấy, người mua hoàn toàn thiệt thòi.Tòa án có thể phán quyết bán đấu giá nhà để trả tiền cho ngân hàng. Người mua có thể mất trắng căn nhà. May ra nếu bán trả ngân hàng được tiền thừa bao nhiêu thì người mua mới được xem xét đến. |