1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nở rộ “công ty ma” lừa đảo trên các ứng dụng điện thoại di động

(Dân trí) - Phần lớn tin nhắn lừa đảo thông qua ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) cho biết người dùng đã trở thành khách hàng may mắn trúng thưởng khoản tiền lớn hoặc xe máy đắt tiền.

 
Phần lớn tin nhắn lừa đảo thông qua ứng dụng OTT cho biết, người dùng đã trở thành khách hàng may mắn trúng thưởng một phần quà rất có giá trị, để nhận thưởng bạn cần truy cập vào website gửi kèm trong tin nhắn và nhập thông tin. Sau khi nhập thông tin trang web tự động chuyển tới phần thông báo cho biết cần phải chuyển một khoản tiền nhất định để làm chi phí hồ sơ thông qua kênh thanh toán rất thiếu chuyên nghiệp là... thẻ cào điện thoại.

Như tại ứng dụng Zalo, một trong những OTT có số lượng người dùng lớn nhất Việt Nam, anh Hà Duyên Hạnh (sinh năm 1969, trú tại TP Thanh Hóa) phản ánh ngày 29/09/2014 trong quá trình sử dụng Zalo, anh Hạnh nhận được tin nhắn thông báo đã trúng giải nhất của chương trình “Zalo – nhắn lời yêu thương” trị giá giải thưởng là 1 chiếc xe máy Liberty và số tiền mặt là 50 triệu đồng.

Lừa đảo qua ứng dụng nhắn tin miễn phí Zalo

Lừa đảo qua ứng dụng nhắn tin miễn phí Zalo

Tin nhắn này cũng hướng dẫn anh Hạnh truy cập vào địa chỉ một trang web để cung cấp thông tin cá nhân và nộp khoản lệ phí để làm thủ tục nhận giải là 950 ngàn đồng bằng hình thức thẻ cào điện thoại. Địa chỉ để nhận giải thưởng là số 66 đường Võ Văn Tần, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
 
Bất ngờ vì “được trúng thưởng” lớn, tuy nhiên để chắc ăn, anh Hạnh đã gọi điện thoại đến đường dây nóng của chương trình này theo số điện thoại 008. 4963.937xxx và gặp người tự xưng là Cao Văn Minh – Tổng Giám đốc Công ty. Ông này xác nhận thông tin là anh Hạnh đã trúng thưởng và yêu cầu anh nhanh chóng nộp tiền vào tài khoản của chương trình để nhận giải thưởng.

Tin tưởng vào những thông tin giả mạo, nên chiều cùng ngày, anh Hạnh đã nộp 950 ngàn đồng vào tài khoản của chương trình này. Nhưng khi anh Hạnh liên hệ với ông Minh để xác nhận đã nộp tiền thì ông này yêu cầu anh Hạnh phải nộp thêm số tiền là 3,7 triệu đồng phí vận chuyển quà tặng. Nhận thấy có sự vô lý về khoản tiền phát sinh này nên anh Hạnh không đồng ý và sau khi xác minh, anh Hạnh biết mình đã bị lừa.

Lừa đảo qua OTT có tên Tango ở Việt Nam

Lừa đảo qua OTT có tên Tango ở Việt Nam

Một trường hợp khác, tại ứng dụng nhắn tin Tango, chị Nguyễn Thị Ngọc N. (SN 1990, trú tại 457 Trần Hưng Đạo khu phố 2, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho biết, sáng ngày 3/8/2014 chị N. có nhận thông tin từ một thuê bao qua ứng dụng OTT có tên TanGo thông báo rằng: “Bạn đã trúng giải là 1 chiếc xe máy Liberty và 50.000.000 tiền mặt”.

Tin là thật, chị N. liên hệ số diện thoại số 0972234xxx và được một người nghe máy và hướng dẫn chị N. phương thức nhận giải bằng cách nạp tiền bằng thẻ điện thoại. “Tổng cộng tôi đã nạp 5,6 triệu đồng, người đó đã hứa cho tôi nhận giải thưởng tiền mặt vào lúc 13h ngày 3/8/2014 và ngày hôm sau sẽ nhận được xe”, chị N. nói.

Tuy nhiên, sau đó, kẻ lừa đảo đã biến mất và không hề liên lạc với chị N. Chị N. tìm cách điện thoại cho người trao giải thường nhưng người này không trả lời. Chị N. cho biết, hiện tại số điện thoại của kẻ lừa đảo vẫn liên lạc được và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ.

Tại OTT có tên Beetalk cũng xuất hiện lừa đảo, anh Ng (27 tuổi, T.p Sơn La, tỉnh Sơn La) cho biết có tải ứng dụng Beetalk về điện thoại di động của mình. Sau khi tải xong và kích hoạt, anh liền nhận được tin nhắn từ ứng dụng của Beetalk thông báo mình trúng thưởng.

Anh Ng bị mất gần 7 triệu đồng với những kẻ lừa đảo trên ứng dụng Beetalk

Anh Ng bị mất gần 7 triệu đồng với những kẻ lừa đảo trên ứng dụng Beetalk

Tin nhắn có nội dung: "Hệ thống Beetalk chúc mừng tài khoản Bee Talk của bạn đã nhận giải nhất nhân dịp sự kiện vòng quay Bee Talk quý II năm 2014. Bao gồm: xe máy Liberty 150CC, kèm theo 1 phiếu quà tặng trị giá 50.000.000 VNĐ. Để làm thủ tục nhận giải thưởng bạn hãy truy cập vào website hoặc liên hệ hotline: 0084.949.077xxx gặp quản lý để được hướng dẫn cụ thể".

Thấy nghi ngờ nên anh Ng cẩn thận vào trang để xem lại tổng đài hỗ trợ, hỏi xem có phải Bee Talk đang có chương trình này không. Tuy nhiên, trên ứng dụng không có, hệ thống không có và web của ứng dụng này cũng không thấy số điện thoại hỗ trợ.

Dù nghĩ rằng mình đang bị lừa nhưng anh Ng phần vì tò mò, phần vì không tìm thấy thông tin hỗ trợ của Beetalk để xác nhận thông tin giải thưởng, phần lại muốn tìm ra hình thức lừa đảo của nó nên tiếp tục làm theo hướng dẫn. Lúc đó, họ yêu cầu anh Ngọc thanh toán một lần nữa làm thuế. Hai lần thanh toán sau, anh nạp 12 thẻ vina với 500.000 đồng/ thẻ. Vậy là tổng là 3 lần thanh toán, anh mất gần 7 triệu để hoàn thành hồ sơ nhận giải theo yêu cầu.
 
Theo các chuyên gia, hiện tại có quá nhiều ứng dụng nhắn tin miễn phí trên thị trường, người dùng thường chỉ biết tới tên ứng dụng mà không quan tâm tới công ty đứng sau hoặc các hoạt động chính thức của công ty đó. Chính vì việc thông tin không được cập nhật đầy đủ và chính xác, kẻ xấu đã lợi dụng gửi tin nhắn tới các tài khoản người dùng nhằm lôi kéo, lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Lê Tú


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm