Nợ công vượt 3,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm nay

(Dân trí) - Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến cuối năm 2017, con số nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng (năm 2016 mới chỉ 2,86 triệu tỷ đồng). Tỷ lệ nợ công vào khoảng 62,6%GDP và sẽ tiếp tục tăng lên mức 63,9%GDP vào cuối năm 2018.

Năm 2017 vẫn chưa phải là đỉnh nợ công trong bối cảnh dư nợ khả năng tiếp tục tăng vào năm tới.
Năm 2017 vẫn chưa phải là "đỉnh" nợ công trong bối cảnh dư nợ khả năng tiếp tục tăng vào năm tới.

Báo cáo về tình hình nợ công vừa được Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIV cho thấy, theo kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ, dự kiến nhu cầu vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương năm 2018 sẽ ở mức 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bảo lãnh của Chính phủ sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, hạn mức cấp bảo lãnh 2 ngân hàng chính sách xã hội theo nguyên tắc số bảo lãnh phát hành mới bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm; hạn mức rút vốn ròng các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh khoảng 1 tỷ USD.

Trong khi đó, về vay nợ của chính quyền địa phương, dự kiến vay để bù đắp bội chi ngân sách địa phương là 11.149,7 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là khoảng 9.951 tỷ đồng.

Với các kế hoạch như trên, Chính phủ dự kiến dư nợ công cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9%GDP, dư nợ Chính phủ ở mức khoảng 52,5%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6%GDP.

Mặc dù các chỉ số nói trên vẫn nằm trong giới hạn cho phép, song nếu so với báo cáo ước thực hiện năm nay thì nợ công vẫn tiếp tục tăng trong năm tới.

Cụ thể, dự kiến cuối năm 2017, con số nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng (năm 2016 mới chỉ 2,86 triệu tỷ đồng). Trong đó, nợ Chính phủ khoảng 2,59 triệu tỷ đồng và nợ được bảo lãnh Chính phủ khoảng 498.800 tỷ đồng, nợ địa phương là 39.600 tỷ đồng.

Tương ứng, dư nợ công trong năm 2017 khoảng 62,6%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 51,8%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2%GDP.

Để quản lý nợ công, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển, tập trung vào việc huy động vốn bù đắp thiếu hụt NSNN trong khung cân đối ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cơ quan điều hành cũng cam kết, vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong phạm vi chỉ tiêu an toàn nợ được Quốc hội cho phép.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khống chế hạn mức vay thương mại trung và dài hạn của của doanh nghiệp hàng năm tối đa là 5,5 tỷ USD, mức độ tăng tối đa hàng năm của dư nợ nước ngoài ngắn hạn là 8-10%.

Bích Diệp