“Kỷ luật tài khóa, kiểm soát nợ công đang rất lỏng lẻo”
(Dân trí) - Đây là nhận xét của TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) trước bối cảnh ngân sách và nợ công vẫn là điểm hạn chế của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Mặc dù số liệu cho thấy, thâm hụt có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây (so với GDP), nợ công và nợ Chính phủ vẫn liên tục tăng trong thời gian qua. Trong khi đó, sau kỳ họp tháng 11/2016, Quốc hội đã đồng ý nâng mức trần nợ Chính phủ lên 54% GDP so với mức 50% GDP trước đó.
“Về cơ bản, điều này chỉ mang tính chất kỹ thuật, chấp nhận mức nợ công thực tế chứ không mang tính chất bắt buộc nhằm kiểm soát nợ”, theo vị chuyên gia. “Như vậy, thực tế cho thấy, vấn đề kỷ luật tài khóa, kiểm soát nợ công của Việt Nam đang rất lỏng lẻo”.
Viện trưởng VEPR cho rằng, nếu không có các biện pháp cụ thể mang tính thực tiễn thì các mức trần nợ công 65% GDP và nợ Chính phủ 54% GDP sẽ bị phá vỡ trong năm 2017.
Ngoài ra, tỷ trọng chi dành cho đầu tư phát triển đang có xu hướng giảm, từ mức trung bình 29% chi ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2001-2010 xuống còn 25,6% giai đoạn 2011-2015 và 19,7% ước tính năm 2016. Điều này, theo ông Thành, dẫn tới tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên, vốn vẫn có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua.
Do vậy, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển buộc phải sử dụng các nguồn vốn vay, dẫn tới tình trạng nợ công gia tăng nhanh.
Tình trạng mất cân đối ngân sách kéo dài và nợ công tăng liên tục tạo ra nhiều hệ quả cho nền kinh tế. Có thể kể đến những lo ngại về tương lai của nền kinh tế với những bất định về rủi ro vĩ mô do một gánh nặng nợ quá lớn mang lại, khiến lãi suất tăng cao hoặc nguy cơ sụp đổ đồng tiền, đều tác động tiêu cực tới những quyết định đầu tư dài hạn trong nền kinh tế - theo TS Nguyễn Đức Thành.
Cho rằng, kiểm soát chi ngân sách vẫn là một thách thức dường như rất khó vượt qua, đặc biệt đối với các khoản mục chi thường xuyên, VEPR khuyến nghị Chính phủ cần phải thực hiện nghiêm khắc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên cũng như những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào NSNN như khu vực hội, đoàn thể.
Bên cạnh đó, cơ cấu thu ngân sách đang dần dịch chuyển do một số nguồn thu suy giảm, trong đó có các khoản lợi tức từ các DNNN. Theo TS Nguyễn Đức Thành, về dài hạn, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính cần giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lợi ích trong dài hạn.
“Chúng tôi khuyến nghị Nhà nước thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các DNNN lớn, đặc biệt tại một số ngân hàng thương mại Nhà nước. Việc này có thể giúp bổ sung nguồn NSNN, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng này vẫn có đủ nguồn vốn để mở rộng hoạt động”, ông Thành cho hay.
Cuối cùng, theo chuyên gia VEPR, ý tưởng huy động vàng trong nền kinh tế đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường, và nếu thực hiện, sẽ thu hẹp không gian chính sách khi bất ổn vĩ mô xảy ra.
“Và về dài hạn, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế đang bắt đầu có hiệu lực trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Chúng tôi cho rằng NHNN cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (như USD) ra khỏi lưu thông, và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Bích Diệp