“Nợ công là món nợ đương đại, nợ giáo dục là món nợ lịch sử”
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, để tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển, Việt Nam nhất thiết phải cải cách giáo dục, trong đó có giáo dục nghề nghiệp và đại học cũng như về tư duy của các chủ doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động.
Chia sẻ về những yếu điểm của nền kinh tế, GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: "Lãnh đạo Samsung nói với tôi rằng năng suất lao động của người Việt Nam bằng 80% năng suất lao động của người Hàn Quốc. Dù họ trả lương cao hơn doanh nghiệp nội nhưng họ thu đươc nhiều lợi nhuận hơn, vì lương trả cho lao động người Việt chỉ bằng 1/4 của người Hàn Quốc trong khi năng suất kém hơn 20%”.
"Tôi không bao giờ nhấn mạnh tiếp tục giữ ưu thế về lao động giá rẻ mà nhấn mạnh ưu thế về tiềm năng của người lao động trong tiếp thu công nghệ và dịch vụ hiện đại để tạo ra năng suất lao động cao", GS Nguyễn Mại nói.
Câu chuyện năng suất lao động kém hay Việt Nam đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng lao động giá rẻ không phải là câu chuyện mới được nhắc tới lần đầu. Trên thực tế, nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu khi năng suất lao động liên tục sụt giảm trong những năm vừa qua, làm dấy lên quan ngại sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế đi xuống và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Để giải quyết bài toán trên, giới chuyên gia cho rằng chỉ có một con đường duy nhất là phải cải thiện hệ thống đào tạo, giáo dục nhằm năng cao chất lượng tay nghề cũng trình độ quản lý nguồn nhân lực.
"Điều đó phụ thuộc vào cả một nền giáo dục của đất nước, trong đó có giáo dục nghề nghiệp và đại học cũng như về tư duy của các chủ doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, luật sư Nguyễn Trần Bạt cũng thẳng thắn: “Chúng ta có hai khoản nợ rất lớn, nếu như nợ công là món nợ đương đại thì nợ giáo dục lại là món nợ lịch sử. Chúng ta không có nền giáo dục đầy đủ để tạo ra lực lượng lao động phù hợp với tình trạng phát triển hay đòi hỏi phát triển của xã hội”.
Vị chuyên gia cho rằng, trên thực tế trong 5 năm tới thì Việt Nam nhất thiết phải cải cách giáo dục. Theo đó, rèn luyện, đào tạo để người dân có lý tưởng lao động, lý tưởng phát triển, năng lực phát triển là nhiệm vụ trực tiếp của giáo dục.
"Phải nâng cấp năng suất lao động và năng lực lao động của người dân qua con đường giáo dục thì mới có nền tảng xã hội cho sự phát triển công nghiệp. Nếu giáo dục không thay đổi thì rất gay”, ông Bạt nhấn mạnh.
TS Bạt cũng dẫn một ví dụ cho thấy: “Như chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ là một hướng đi sai. Các tiến sĩ là những người phê phán, phản biện, chứ không phải là người thực hiện. Chúng ta rèn luyện các lực lượng phê phán trước khi có những lực lượng thực hiện, đấy là nhược điểm của cấu trúc lao động trí tuệ trong xã hội chúng ta. Đó là kết quả của tính bất hợp lý của cấu trúc giáo dục của chúng ta”.
Trước đó, Ban Kinh tế trung ương cũng thừa nhận, nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn chủ yếu là nhân lực phổ thông, chưa qua đào tạo trong khi đó, điểm đáng lưu ý là khả năng của các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do đó, bên cạnh những cải thiện về hệ thống đào tạo trong nước, Việt Nam nên tận dụng thêm cơ hội học hỏi từ bên ngoài, đặc biệt là từ các nước láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo Ban Kinh tế trung ương, trong thời gian sắp tới, khi hàng loạt các kỹ sư Nhật Bản đến độ tuổi về hưu, họ vẫn có đủ sức khoẻ và lòng nhiệt tình để tiếp tục cống hiến. Việt Nam có thể là địa chỉ lý tưởng cho các kỹ sư này truyền lại các kinh nghiệm quý giá của họ. Song song với đó, cần tăng cường xuất khẩu lao động, không chỉ là lao động giản đơn mà cả các kỹ sư trẻ có tài năng vào Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Cần có một sự nhìn nhận phù hợp hơn đối với việc các kỹ sư Việt Nam sau khi đi học được tạo điều kiện ở lại và làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, coi đây là một cơ hội tốt nhất cho họ tích luỹ kinh nghiệm và trưởng thành. Trong tương lai, họ sẽ có những đóng góp to lớn hơn vào việc phát triển đất nước”, cơ quan này cho hay.
Phương Dung