Nợ công: Bài học nhìn từ cuộc khủng hoảng của Hy Lạp
(Dân trí) - Với khoản nợ hơn 270 tỷ USD, bằng 190% GDP, Hy Lạp chính thức vỡ nợ và cần các biện pháp cứu trợ của nước ngoài. Là nước phát triển đầu tiên vỡ nợ, Hy Lạp là bài học lớn chưa từng thấy đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp không chỉ tác động đến tương lai đất nước và người dân xứ sở những vị thần mà còn là đề tài bàn luận nóng hổi của nhiều học giả, chuyên gia kinh tế trên thế giới. Trao đổi riêng với PV Dân trí về vấn đề nợ công và bài học cho Việt Nam, chuyên gia Tài chính Ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu và Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã có những nhìn nhận sâu sắc.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Khủng hoảng nợ công không trừ một nước nào
Chuyên gia tài chính, Ts Nguyễn Trí HiếuCó thể nói, vấn đề Hy Lạp đang được giới kinh tế quốc tế rất quan tâm bởi đây là nước phát triển đầu tiên vỡ nợ và chịu nhiều kịch bản chọn lựa của chủ nợ từ nước ngoài, định chế ngoài Hy Lạp. Hy Lạp đang phải gánh chịu khoản nợ lên đến 270 tỷ USD chủ yếu từ ba chủ nợ là IMF, ECB và EU. Trước Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia cũng lâm vào khủng hoảng nợ công đã rất đau đớn phải chịu thắt lung, buộc bụng theo chính sách của các nước lớn và định chế tài chính trên.
Rất may cho người dân Hy Lạp là họ đã nói không với gói cứu trợ kèm điều kiện của các chủ nợ. Đây được xem là thắng lợi của người dân Hy Lạp để người dân không mất việc làm, kinh tế tăng trưởng âm. Tuy nhiên những thách thức đang rất lớn bởi Hy Lạp đang là một phần của Liên minh Châu Âu nên sớm muộn gì nước này cũng phải có giải pháp để trả nợ và chắc chắn chọn lựa tốt sẽ về tay các chủ nợ. Chúng ta hãy chờ xem từ nay đến cuối tuần, điều gì sẽ diễn ra?
Nợ công của Hy Lạp theo đồng hồ nợ công thế giới hiện lên 149% GDP, số tiền nợ vào khoảng 261 tỷ USD, trong khi đó, liên hệ với Việt Nam, đồng hồ nợ công điểm báo hiện là 46,3% GDP, với số tiền 90 tỷ USD.
Nhiều số liệu khác như nợ công hiện đang ở mức 64% hay 65%, thậm chí có chuyên gia, tổ chức nước ngoài cho rằng nợ công Việt Nam đang ở ngưỡng gần 100% GDP. Dù con số nào đi chăng nữa thì việc nợ công của Việt Nam cũng đang tác động đối với mỗi người dân, doanh nghiệp và ngân sách.
Nhìn vào câu chuyện Hy Lạp và hai ba nền kinh tế khác trước đó của Châu Âu, có thể thấy rằng, nợ công không trừ một nước nào nếu thu – chi ngân sách không khoa học, vay nợ tràn lan…
Vấn đề khủng hoảng nợ của Hy Lạp chính là nợ chồng nợ, lãi cộng dồn. Các chủ nợ cho Hy Lạp vay kèm theo cam kết ưu tiên nhập khẩu, khiến nhiều nơi dòng tiền chảy cho vay thay vì chảy vào Hy Lạp lại chảy về các nước phát triển.
Bên cạnh đó, vấn đề của Hy Lạp là nợ dài hạn, có thời gian ân hạn thêm song Chính phủ không có biện pháp trả nợ phù hợp. Chính quyền tham nhũng, các tổ chức DNNN vay vô tội vạ không trả được nợ khiến nó càng phình to ra.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam bởi trong thời gian qua, một số dự án liên quan đến vay vốn ODA của Việt Nam đã bị phát hiện tham nhũng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Việt Nam nên nói "Không" với vốn ODA
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến ThànhHồi tháng 5/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa thông báo Việt Nam cần phải phát hành trái phiếu để đáo hạn trả nợ. Tức là ngân sách đang eo hẹp và khó khăn cho trả nợ, trong khi các nguồn thu về của Ngân sách ngày càng ít hơn.
Hiện chi Ngân sách của Việt Nam đang có vấn đề lớn khi chi thường xuyên chiếm 70% trong đó chi cho đầu tư và trả nợ chỉ chia nhau 30% còn lại. Sắp tới, khi thuế quan các hàng hóa giảm theo lộ trình nhập khẩu theo cam kết hội, ngân sách sẽ mất thu lớn. Nếu không có giải pháp trả nợ, thì áp lực trả nợ sẽ đè nặng lên vai người dân, doanh nghiệp ngày một rõ rệt hơn.
Vay cho DNNN đang có nhiều nguy cơ lớn cho nợ của Việt Nam vì quản lý tài chính kém. Vay ODA đang có nhiều phát sinh tham nhũng do quản lý yếu kém của Việt Nam. Bên cạnh đó, đã đến lúc Việt Nam nên nói “không” với ODA vì dù đây là dòng vốn rẻ, lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài song chi phí đầu tư cao do bên nhận phải mua thiết bị của nước cấp vốn với giá đắt gấp 2 – 3 lần.
Cải cách khu vực kinh tế Nhà nước đang là yêu cầu chủ quan lẫn khách quan khi chúng ta đối mặt với quá nhiều áp lực: từ sự yếu kém của các DN “con cưng”, nắm trong tay nhiều lợi thế nhưng chưa bứt phá, đến yêu cầu đổi mới để hội nhập nền kinh tế toàn cầu.v.v…
Ở Việt Nam, cách tính nợ công cần phải tính cả số nợ của các địa phương nữa bởi hiện nay, các địa phương cũng có đi vay ODA để phát triển hạ tầng. Đây là số nợ có tác động đến ngân sách địa phương.
Nói “không” với ODA bởi vì hiện chúng ta đã ban hành cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài và toàn xã hội cùng Nhà nước tham gia. Đây là cơ chế các nước đang phát triển đã áp dụng khá thành công, trong đó có Ấn Độ, Pakistan và họ đã nói không với ODA trước đây hàng mấy thập kỷ.
Nguyễn Tuyền