Nợ Chính phủ gần tới mức cảnh báo
Theo báo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này, tổng nợ của Chính phủ hiện nay và trong năm tới vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng đã rất gần tới mức cảnh báo. Một câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra là tổng nợ của Chính phủ hiện nay là bao nhiêu và có an toàn không?
Những con số chính thức cũng đã được công bố và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. Một số đại biểu đã đưa ra cảnh báo về khả năng nợ của Chính phủ tiến gần và vượt quá mức an toàn.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ngưỡng ổn định, ngưỡng an toàn đối với các nước đang phát triển là tổng nợ Chính phủ phải dưới 40% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ này của Việt Nam trong năm 2006 ước là 36,6% và dự kiến trong năm 2007 là 37,2%.
Về những tỷ lệ trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân cho rằng “chúng ta đang tiếp cận dần tới ngưỡng an toàn”, và đó là một vấn đề cần đánh giá lại bên cạnh mức tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây.
Căn cứ số liệu trong “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2006 và nhiệm vụ năm 2007” của Chính phủ, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội, với những tỷ lệ trên thì tổng nợ của Chính phủ năm 2006 vào khoảng 23,7 tỷ USD (GDP đạt gần 65 tỷ USD); trong năm 2007 là khoảng 26 tỷ USD (với GDP ước đạt 70 tỷ USD).
Về những tỷ lệ trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng vẫn nằm trong giới hạn an toàn tài chính cho phép. Cho đến thời điểm này, hầu hết các khoản nợ đến hạn kể cả trong nước và ngoài nước đều được trả kịp thời, không có khoản nợ xấu.
Một số đại biểu cũng đồng tình với mục tiêu khống chế nợ của Chính phủ trong giới hạn cho phép. Đi cùng với sự đồng tình này là yêu cầu phải sử dụng các khoản vay đúng mục đích và hiệu quả.
Dẫn chứng cho những ý kiến trên là đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trong tháng 10/2005 với lượng ngoại tệ huy động được là 750 triệu USD.
Số vốn vay này được đánh giá cao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước (Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) triển khai các dự án có giá trị và hiệu quả cao. Vinashin cũng khẳng định là hoàn toàn có đủ khả năng trả được khoản nợ này cả vốn lẫn lãi.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đưa ra dẫn chứng về việc sử dụng vốn vay không hiệu quả. Theo đại biểu Hồ Xuân Phương (Nghệ An), một điển hình cụ thể là việc sử dụng vốn ODA tại một số dự án ở PMU18. “Và nếu quản lý sử dụng vốn vay không hiệu quả như vậy thì có nguy cơ vượt ngưỡng 40% GDP, tức là vượt mức giới hạn cho phép không còn xa đối với nước ta”.
Còn theo ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Tào Hữu Phùng, đại biểu tỉnh Hà Tây, thì bên cạnh việc sử dụng các nguồn vốn nay hiệu quả, Chính phủ cần phải hình thành quỹ trả nợ hàng năm, đến hạn là phải trả, nếu để đến sát mức “báo động đỏ” là rất nguy hiểm.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại cho tương lai của “vấn đề nợ nần trong nước, ngoài nước. Và không biết rồi đây con cháu chúng ta sẽ trả nợ thế nào?”.
Ngoài vấn đề trên, nhiều đại biểu cũng rất quan tâm đến thực trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản hiện nay. Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ công khai những con số liên quan của các ngành và địa phương để có phương án xử lý cụ thể. Vì theo Ủy ban, “nợ tồn đọng xây dựng cơ bản phải xử lý xong trong 2 năm (2005 và 2006) theo Nghị quyết của Quốc hội hiện vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.
Theo T.M.Đức
VnEconomy