1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Niềm vui chỉ đến với Vn-Index

(Dân trí) - Kết thúc giao dịch đầu tuần mới, Vn-Index đã có phiên giao dịch tăng điểm trở lại trong khi Hastc-Index đóng cửa giảm 0,88 điểm.

Niềm vui chỉ đến với Vn-Index - 1
(ảnh: Việt Hưng).
 
Ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay 27/4, các cổ phiếu blue-chips sau những ngày kìm hãm thị trường đã bất ngờ tăng đồng loạt ở đầu phiên giúp Vn-Index có mức tăng ấn tượng 5,71 điểm.

Tuy nhiên khi thị trường bước sang đợt khớp lệnh liên tục, giao dịch diễn biến có phần chậm lại, áp lực bán không còn mạnh nhưng sức cầu vẫn ở mức khá thấp khiến đà tăng của Vn-Index chậm lại, chỉ số này chỉ còn tăng được 3,92 điểm khi kết thúc đợt 2.

Đến cuối phiên việc một số cổ phiếu lớn không duy trì được mức điểm tăng đã kéo Vn-Index chốt phiên tăng được 3,79 điểm (tương đương tăng 1,22%) lên 313,69 điểm.

Giao dịch phiên này giảm sút khá nhiều so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Toàn thị trường có 21,54 triệu đơn vị giao dịch trị giá 518,329 tỷ đồng.

Kết thúc phiên theo thống kê trong tổng số 181 mã niêm yết trên HoSE đã có 79 mã tăng giá với 28 mã tăng trần, 70 mã giảm giá trong đó có 21 mã giảm sàn, 31 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch là HBD.

Nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất sàn sau khi đầu phiên đồng loạt tăng giá mạnh, kết thúc phiên chỉ có PVD duy trì được mức tăng giá trần 3.000 đồng lên 66.000 đồng/CP; các mã tăng giá còn lại trong nhóm này gồm VNM, FPT và HAG.

Trong khi đó, cổ phiếu dẫn dắt thị trường là STB chốt phiên đã giảm nhẹ 100 đồng xuống 19.700 đồng/CP; HPG cũng có phiên giảm giá với mức giảm 600 đồng xuống còn 39.500 đồng/CP. Các mã SSI, DPM và PPC có phiên đứng giá tham chiếu.

Về khối lượng giao dịch, SAM phiên này bất ngờ được nhà đầu tư giao dịch mạnh và dẫn đầu thị trường với 2,84 triệu đơn vị giao dịch thành công, sự giảm sút về giao dịch của thị trường đến từ việc các mã được nhà đầu tư ưa chuộng trong thời gian qua có giao dịch sụt giảm, STB chỉ có 2,81 triệu đơn vị giao dịch và SSI có 1,73 triệu đơn vị giao dịch. Các mã còn lại đều có giao dịch dưới 1 triệu đơn vị.

Bên sàn Hà Nội, Hastc-Index đóng cửa giảm 0,88 điểm, tương đương 0,8% xuống 109,32 điểm. Khối lượng giao dịch tăng 41% so với phiên giao dịch cuối tuần trước, đạt 17,435 triệu cổ phiếu, tương đương 374,38 tỷ đồng.

Trong đó, riêng cổ phiếu KLS của CTCP Chứng khoán Kim Long giao dịch 5,64 triệu cổ phiếu, chiếm 1/3 giao dịch toàn thị trường. Mức giá 15.000 đồng/CP được coi là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tham gia bắt đáy cổ phiếu này, khi đỉnh mới nhất KLS lập được là 25.000 đồng/CP.

Đầu phiên, mã này còn dư bán sàn hơn 1,4 triệu đơn vị, sau đó khi nhận được tín hiệu mua vào từ sàn HoSE và cổ phiếu ACB tăng điểm, nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào KLS khiến mã này đã có lúc giao dịch tại mức giá 16.000 đồng/CP.

Cổ phiếu thứ hai được nhắc tới là cổ phiếu BVS của CTCP Chứng khoán Bảo Việt. BVS là mã có dư mua nhiều nhất sàn trong thời kỳ tăng nóng và cũng là cổ phiếu giảm mạnh nhất khi thị trường điều chỉnh.

Sau 5 phiên bị bán sàn, phiên này BVS đột ngột giao dịch 2,3 triệu đơn vị, tuy nhiên vẫn còn dư bán hơn 660.000 cp giá sàn 27.000 đồng vào cuối phiên.

Trong số 181 mã niêm yết, có 63 mã tăng giá vào cuối phiên, 84 mã giảm giá, 20 mã đứng giá và còn lại không có giao dịch.

Các cổ phiếu tăng giá nhiều nhất là CCM (tăng trần 1.900 đồng), HLC (tăng trần 1.500 đồng, giao dịch 100 cổ phiếu), SJC, VHL (tăng 1.000 đồng).

Các cổ phiếu giảm mạnh nhất là NTP, KKC, KLS (giảm 1.000 đồng), MIC (giảm 2.200 đồng), BVS (giảm 2.000 đồng xuống 27.000 đồng/CP), HPC, VSP (giảm 1.100 đồng).

Các cổ phiếu giao dịch nhiều là ACB (1,97 triệu cp), SHB (1,3 triệu cp), VSP (406.000 cp), HPC (703.000 cp). Trong đó ACB và SHB bình quân đều tăng nhẹ. Song cuối phiên xu hướng chung của các cổ phiếu vẫn là giảm điểm khiến Hastc-Index chưa thể tăng điểm giống Vn-Index.

Thanh Tú - Phương Mai