Nhuộm màu, tẩy tem Trung Quốc thành đặc sản Đà Lạt

Mượn mác đặc sản Đà Lạt, nhiều loại rau, quả, mứt... Trung Quốc được tiểu thương tuồn vào Việt Nam nhằm bán với giá hời. Gần đây, nhiều vụ làm ăn gian dối, lừa người tiêu dùng đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.

Mứt tết Trung Quốc giả đặc sản Đà Lạt

 

Nhiều năm qua, vì lợi nhuận nên không ít tiểu thương tại Đà Lạt đã nhập các mặt hàng từ Trung Quốc giá rẻ, không có chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, về thay đổi nhãn mác, bao bì, bán với giá cao dưới mác "đặc sản Đà Lạt".

 

Vừa qua, Công an tỉnh Lâm Đồng vừa bắt quả tang Nguyễn Văn Toàn (P.3, TP. Đà Lạt) vận chuyển hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc để làm giả đặc sản.

 

Số hàng Trung Quốc bị cơ quan chức năng thu giữ.
Số hàng Trung Quốc bị cơ quan chức năng thu giữ.

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
 
Kiểm tra tại nhà riêng của Toàn, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng hơn 380kg gồm các loại mứt đặc sản hồng dẻo, đào sữa, hoa hồng, táo sấy, mận sấy, kiwi, ô liu... không có hóa đơn, chứng từ nhưng trên bao bì có gắn nhãn mác ghi bằng chữ Trung Quốc.

 

Khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt

 

Một loại củ nổi tiếng của Đà Lạt là khoai tây - từ nhiều năm qua, vì lợi nhuận, đã bị một số đầu nậu ở Đà Lạt thường xuyên nhập khoai tây Trung Quốc về để "mông má" rồi sau đó tung ra thị trường bán kiếm lời dưới danh nghĩa nhập nhèm "khoai tây Đà Lạt". Hầu hết lượng khoai tây Trung Quốc nhập về Đà Lạt đều có đầy đủ các thứ giấy tờ hợp pháp nên rất khó xử lý.

 

Máy rửa và nhuộm khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt
Máy rửa và nhuộm khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt

 

Thậm chí, để tân trang hô biến thành khoai tây Đà Lạt, nhiều thương lái đã nhập cả máy rửa khoai từ Trung Quốc. Máy có thể rửa và nhuộm 150-200 kg khoai/mẻ/30 phút.

 

Dây tây Tàu trà trộn

 

Ở Việt Nam, dâu tây là đặc sản chỉ trồng ở Đà Lạt. Thời điểm chính vụ của dâu tây Đà Lạt vào giữa tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, gần đây, dọc các con phố tại Hà Nội xuất hiện rất nhiều sạp hàng rong bán dâu tây được quảng bá là của Đà Lạt. Tuy nhiên, nhiều người khẳng định, đây là dâu tây Trung Quốc.

 

Dâu Đà Lạt được bày bán ở đường phố Hà Nội.
Dâu "Đà Lạt" được bày bán ở đường phố Hà Nội.

 

Một chủ vựa dâu tại Đà Lạt cho biết: ngay tại Đà Lạt còn có dâu tây từ Trung Quốc thì Hà Nội sao tránh khỏi. Dâu Trung Quốc vừa đẹp mắt, vừa để được lâu nên lái buôn thích. Thường thì dâu Đà Lạt chỉ để 2 ngày ở nhiệt độ 15 độ C nếu không nhẹ nhàng còn bị thâm, còn dâu tây Trung Quốc có chất bảo quản nên để cả tuần vẫn tươi roi rói.

 

Thủ phủ Đà Lạt ngập hành tây Trung Quốc

 

Vụ thu hoạch năm 2014, người dân tại Đà Lạt thu hoạch hành tây vào đúng đợt mưa trái mùa, vì thế hành tây bị hỏng nhiều. Thương lái lại không đến mua như mọi năm khiến cho vừa mất mùa lại bị giảm giá.

 

Một người dân ở Đà Lạt dùng hành tây làm phân bón cho cây.
Một người dân ở Đà Lạt dùng hành tây làm phân bón cho cây.

 

Theo các tiểu thương, nguyên nhân chính là do hành tây cùng loại của Trung Quốc ồ ạt tràn vào, được bán với giá rẻ mạt nên sản phẩm của địa phương không cạnh tranh nổi. Chính vì vậy, hàng trăm tấn hành tây Đà Lạt đã bị đổ bỏ trong sự xót xa của người nông dân.

 

Hồng Đà Lạt rớt giá vì hàng Trung Quốc

 

Mặc dù được công nhận là đặc sản của Đà Lạt, thế nhưng, vài năm nay, hồng liên tục bị rớt giá.

 

Hồng Đà Lạt rớt giá vì hàng Trung Quốc
Hồng Đà Lạt rớt giá vì hàng Trung Quốc

 

Theo một số tiểu thương, năm nay sản lượng hồng giảm nhiều nhưng giá lại thấp hơn so với các năm trước. Người tiêu dùng thấy giá "bèo" lại mặc định là hồng Trung Quốc nên không dám mua càng khiến giá cả loại trái cây này càng thấp hơn.

 

Phân biệt rau, củ Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt

Tại phiên chợ rau, hoa Đà Lạt diễn ra từ ngày 23 đến 27/12/2014, có một gian hàng đã tạo được sự chú ý đặc biệt của nhiều người khi trưng bày các sản phẩm giúp phân biệt một số nông sản đặc trưng của Đà Lạt với mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.

 

Cụ thể, cà rốt Đà Lạt củ nhỏ, đậm màu, tươi mới và thường có cuống. Cà rốt Trung Quốc bóng loáng, củ đều, to không có cuống hay đầu thường đen do để lâu.

 

Hành tây Đà Lạt có củ to, vỏ lụa ngoài màu trắng, dễ bị trầy xước; trong khi hành tây Trung Quốc có vỏ ngoài màu vàng, tím, hoặc trắng bóng, có hình dạng tròn đều hoặc hình bầu dục.

 

Khoai tây Đà Lạt củ tròn, mắt củ cạn, vỏ mỏng, dễ bị trầy xước. Khoai tây Trung Quốc kích cỡ đều, củ to và dài, mắt củ sâu, vỏ trơn bóng, ít bị trầy xước.

 

Bắp cải Trung Quốc trái nhỏ, hình tròn, lá bao bên ngoài màu xanh đậm, lá cuốn không chặt, rất dễ bóc, khi cắt đôi ra các lá không bó sát vào nhau, kết cấu rất lỏng lẻo. Còn bắp cải Đà Lạt trái to, hình tròn dẹp, lá bao bên ngoài có màu xanh nhạt, lá cuốn chặt, khó bóc, khi cắt đôi ra các lá bó sát vào nhau, kết cấu rất chặt chẽ.

 

Súp lơ Trung Quốc thường có màu xanh đậm hơn, các múi to, búp lơ đều nhau, mịn, cuống màu xanh đậm Súp lơ Đà Lạt có búp vừa phải, hoa lơ ít đồng đều, có sự sần sùi, cuống súp lơ có màu xanh nhạt, thường có phần thân và phần bông to hơn so với lơ Trung Quốc.

 

Dâu tây Đà Lạt quả thường vừa phải, không quá to, đặc biệt là không đồng đều. Khi ăn dâu Đà Lạt rất mềm, không cứng và mịn như dâu Trung Quốc. Dâu tây Đà Lạt có màu nhạt hơn, phần hơi trắng, thịt ruột bên trong có màu đỏ nhạt, đan xen với màu trắng.

 

Hồng Đà Lạt chỉ cần 1-2 ngày là bắt đầu chín mềm, nếu ăn không kịp sẽ bị hư rất nhanh. Còn hồng Trung Quốc thì mua về cả tuần vẫn không bị hư. Hồng Trung Quốc có màu đỏ sẫm, trái dài giống hồng trứng của Đà Lạt, ăn ngọt nhưng không thơm, hơi khô và không bọng nước. Còn hồng trứng Đà Lạt chính gốc phải có màu vàng cam, ăn vào có vị ngọt béo, ăn rất dẻo và thơm.

 

 

Theo Hạnh Nguyên

VEF

 

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”