Ngành giày dép:

Những việc cần làm ngay để đối phó kiện phá giá

Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) chính thức thông báo quyết định mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm giày da của Việt Nam, chiều 8/7 Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) đã tổ chức họp báo thông báo chi tiết tình hình và các hành động cần tiến hành ngay để chuẩn bị đối phó với vụ kiện.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, danh sách bị đơn phía Việt Nam thực chất bao gồm 60 doanh nghiệp chứ không phải 63 doanh nghiệp như danh sách của EC do 3 doanh nghiệp bị trùng tên. Biên độ phá giá ước tính của Việt Nam lên tới 130% và Trung Quốc (cũng bị kiện cùng lúc) là 400%. Do EC chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường nên Brazil được lựa chọn là nước thay thế để lập cơ sở tính toán giá trị thông thường.

Mặc dù ngày 7/7 EC mới thông báo chính thức mở điều tra nhưng trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với Hiệp hội Da giày xúc tiến chuẩn bị để đối phó với vụ kiện.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết đã gửi bản khuyến nghị các công việc Hiệp hội Da giày và các doanh nghiệp bị đơn cần chuẩn bị và lộ trình thực hiện.

Thứ nhất các doanh nghiệp cần gửi đơn đề nghị EC xem xét lựa chọn mẫu các doanh nghiệp thuộc diện điều tra. Mặc dù danh sách bị đơn là 60 doanh nghiệp nhưng có thể phía EC không điều tra toàn bộ 60 doanh nghiệp này. Trong đơn doanh nghiệp cần nêu rõ có ý định yêu cầu được xem xét biên độ phá giá riêng biệt hay không (chỉ các nhà sản xuất xuất khẩu mới được yêu cầu biên độ phá giá riêng biệt).

Việc cung cấp các thông tin này sẽ thể hiện doanh nghiệp đồng ý về việc có thể được lựa chọn điều tra mẫu. Nếu được lựa chọn, doanh nghiệp sẽ phải trả lời Bản câu hỏi và chấp nhận thẩm tra tại chỗ các câu trả lời.

Nếu không đồng ý cho thẩm tra, doanh nghiệp có thể bị coi là bất hợp tác và EC sẽ áp dụng những thông tin sẵn có (thường do nguyên đơn cung cấp) để điều tra và sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, doanh nghiệp cần yêu cầu EC cung cấp bản câu hỏi xin hưởng quy chế kinh tế thị trường và thời hạn trả lời. Mặc dù Việt Nam chưa được công nhận là có nền kinh tế thị trường, EC vẫn có chế độ xem xét quy chế kinh tế thị trường đối với từng doanh nghiệp riêng lẻ dựa trên hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

EC sẽ gửi Bản câu hỏi về quy chế kinh tế thị trường cho các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp chứng minh được mình hoạt động theo cơ chế thị trường thì giá trị thông thường sẽ được xác định trên cơ sở thực tế chứ không qua một nước thay thế.

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Brazil đã được EC lựa chọn làm nước thay thế điều tra để tính giá trị thông thường (tương tự Banglades trong vụ kiện tôm). Phía Việt Nam có quyền phản hồi về quyết định chọn nước thay thế có phù hợp hay không và phải thông báo cho EC trước ngày 17/7/2005.

Thứ ba, doanh nghiệp cần yêu cầu cung cấp Bản câu hỏi, các đơn yêu cầu khác trong vòng 10 ngày kể từ ngày 7/7/2005. Để thu thập các thông tin trong quá trình điều tra, EC sẽ gửi bản câu hỏi đến các công ty được lựa chọn mẫu điều tra, các công ty nằm trong đơn kiện, các công ty có yêu cầu biên độ phá giá riêng rẽ. Các doanh nghiệp sẽ phải trả lời bản câu hỏi này trong vòng 40 ngày kể từ ngày 7/7/2005.

Liên quan đến vấn đề này, Cục quản lý cạnh tranh khuyến cáo các doanh nghiệp nên tập hợp dưới sự hướng dẫn của Hiệp hội Giày-Da để được giúp đỡ, kể cả một số doanh nghiệp không thuộc Hiệp hội.

Theo quy trình, vụ kiện sẽ được điều tra trong vòng 15 tháng kể từ ngày 7/7/2005 và các biện pháp tạm thời sẽ được áp dụng không quá 9 tháng kể từ ngày thông báo được đăng. Trong thời hạn 6 tháng kể từ khi có kết luận và biện pháp tạm thời, doanh nghiệp có quyền khiếu nại. EC sẽ xem xét và Hội đồng sẽ ra quyết định kết luận và biện pháp cuối cùng.

Được biết đây là vụ kiện thứ 23 EC tiến hành đối với Việt Nam. Cũng theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, việc hàng hóa Việt Nam bị kiện phá giá là hoạt động hết sức bình thường trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp nên có thái độ bình tĩnh, chủ động chuẩn bị đối phó.

Theo VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm