1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Những thỏa thuận với Mỹ “quan trọng và thiết thực với tương lai”

(Dân trí) - Ngoài những hợp đồng “khủng” trị giá hàng tỷ USD, phía Việt Nam và Mỹ còn có những thỏa thuận về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch; các dự án đầu tư tương lai trong ngày 23/5. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, đây là những hợp tác quan trọng, hai bên đều có lợi và thiết thực với tương lai.

Như đã đưa tin, trưa nay (23/5), tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Công ty CP Hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá lên tới 11,3 tỷ USD.

Một hợp đồng khác được hãng này ký kết cũng trong buổi lễ này với Pratt & Whitney thuộc Tập đoàn United Technologies Corp lên tới 3,04 tỷ USD.

Ngoài ra, tại sự kiện tiếp xúc doanh nghiệp vào lúc 17h chiều nay tại Hà Nội, các lễ ký kết các hiệp ước về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch; và lễ ký kết các dự án đầu tư tương lai cũng được diễn ra.

Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhân sự kiện này:

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Mối hợp tác hai bên cùng có lợi

Với khá nhiều thỏa thuận diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam lần này, ông có đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam thời gian tới?

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ là sự hợp tác hai bên cùng có lợi. Quan hệ thương mại giữa hai bên chủ yếu mang tính chất bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh với nhau. Những mặt hàng mà chúng ta xuất sang Mỹ là những mặt hàng mà phía Mỹ sản xuất không hiệu quả bằng chúng ta, ví dụ như dệt may, da giày, nông sản… Chúng ta sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều so với Mỹ, giá thành cũng rẻ hơn.

Còn về phía Việt Nam, chúng ta mua máy bay Boeing của Mỹ vì chúng ta chưa làm được. Thương vụ thuận lợi cho cả phía Mỹ và Việt Nam.

Một điều quan trọng trong mối quan hệ hai nước là Hiệp định TPP mà cả Việt Nam và Mỹ cùng tham gia đòi hỏi phía Việt Nam phải cải cách rất mạnh mẽ để có thể đáp ứng được những yêu cầu cam kết trong hiệp định này.

Ví dụ như thời gian thông quan ở các cửa khẩu, nếu Nghị quyết 19 của Chính phủ ngày 12/3/2015 đã giúp giảm xuống còn 10 ngày thì theo quy định tại TPP, năm 2018, thời gian thông quan thậm chí còn phải được đưa xuống còn 48 giờ.

Nói cho cùng thì cải cách cũng chỉ có lợi cho Việt Nam mà thôi. Thế nhưng, để đạt được cải cách đó, Việt Nam phải cố gắng, nỗ lực rất lớn chứ không thể cứ bình bình mà tiến được.

Ngoài ra còn nhiều thách thức khác như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện lao động… yêu cầu rất cao và phía Việt Nam phải cố gắng rất nhiều.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến năm 2020, kim ngạch hai bên có thể tăng lên đến 57 tỷ USD tức là tăng 127% so với 2015, tốc độ tăng hàng năm gần 30%, đó là một viễn cảnh đầy hứa hẹn đối với Việt Nam.

Chiều nay, hai bên còn ký kết các hiệp ước về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch; và ký kết các dự án đầu tư tương lai. Ông có suy nghĩ như thế nào về sự hợp tác của Việt Nam với Mỹ trong những lĩnh vực này?

Tôi cho rằng đây là những hợp tác rất quan trọng. Chúng ta biết, Việt Nam đang bị tác động rất nặng nề về biến đổi khí hậu. Bạn thấy đấy, vừa qua hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long… cho thấy chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề này.

Ngoài ra, về năng lượng, chúng ta phải giảm bớt những nhà máy điện chạy bằng than, dần thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Tôi cho rằng những thỏa thuận nói trên là vô cùng quan trọng cho tương lai và có tác động thiết thực với Việt Nam.

Quyết tâm chống tham nhũng: Quan trọng vẫn là thực tế!

Nói về dòng vốn đầu tư từ Mỹ, ông có cảm nhận như thế nào về các nhà đầu tư Mỹ khi họ đặt chân tới Việt Nam?

Mỹ hiện đứng thứ 7 trong số các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam với 728 dự án và tổng vốn đạt trên 11 tỷ USD. Nhưng phía Mỹ cho biết là con số mà các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam cao hơn rất nhiều so với con số trên.

Bởi vì, nhiều công ty Mỹ đăng ký ở Hồng Kông, Singapore, hòn đảo Trinh Nữ (British Virgin Island)… nên con số vốn mà phía Mỹ đổ vào Việt Nam có những phần chưa bóc tách được.

Dù vậy, với vị thế đầu tư của Mỹ vào Việt Nam như hiện này thì vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của họ.

Lý do vì luật pháp của Mỹ rất nghiêm ngặt, các doanh nghiệp Mỹ không có chuyện đút lót, phong bì, không có chuyện “vận động dưới gầm bàn” tràn lan như ở ta. Họ không thích cách của người Việt là cứ làm chần chừ, bắt phải qua một công ty môi giới nào đó rồi công ty này lại đút lót, bôi trơn… Điều đó đã được họ phản ánh khá nhiều trong các diễn đàn doanh nghiệp.

Cho nên, họ mong đợi, nếu TPP được thực hiện thì môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ tốt lên, khi đó họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Đó cũng là triển vọng tốt đẹp mà TPP mang lại với luồng vốn đầu tư từ vào Việt Nam.

Hiện tại, Chính phủ đang quyết tâm rất cao trong chống tham nhũng và làm sạch môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triẻn. Với những quyết tâm này liệu sắp tới đầu tư của Mỹ vào Việt Nam có tăng lên?

Thật ra quyết tâm chống tham nhũng đã được đề cập nhiều, vấn đề là phải hành động. Từ lời nói đến hành động đang còn có những khoảng cách rất xa.

Cho đến nay các biện pháp, cách thức thực hiện diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam còn một khoảng cách xa với thế giới.

Chẳng hạn như thế giới họ công khai minh bạch rất rõ ràng, họ nói rất rõ hồ sơ này ai thẩm định, ai quyết định và bao giờ được trả lời. Đằng này mình cứ dấm dấm dứ dứ không rõ lúc nào thông qua. Điều đó hoàn toàn không thích hợp với các công ty Mỹ. Theo luật của Mỹ, doanh nghiệp nào đút lót thì có thể bị đi tù, chứ không dễ dàng đâu.

Có nhiều vấn đề chúng ta rất mạnh mẽ trên giấy nhưng trong thực hiện lại không nghiêm chỉnh.

Tôi lấy ví dụ ngay cả như chuyện nghệ sĩ Minh béo phải hầu tòa ở Mỹ cũng cho thấy là pháp luật của Việt Nam và của Mỹ còn một khoảng cách lớn.

Hay như việc xuất khẩu tôm của Việt Nam bị trả vì quá dư lượng chất kháng sinh thì cũng phải nhìn nhận lại lỗi ở phía chúng ta làm chưa chặt. Rốt cuộc thì nông dân vẫn là người chịu khổ mà thôi.

Thế mới nói, điều quan trọng nhất và mang tính quyết định vẫn là ở khâu thực hiện như thế nào!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

Những thỏa thuận với Mỹ “quan trọng và thiết thực với tương lai” - 2