Những “siêu dự án” bị rút phép năm 2010
Đây là lời cảnh báo với các chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án và là cơ sở để các cơ quan chức năng rà soát chặt chẽ việc cấp phép cũng như thẩm định năng lực.
Dự án Khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina của tập đoàn STX (Hàn Quốc) của Khánh Hòa
Dự án Khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina được cấp phép ngày 22/01/2008 trên diện tích hơn 100 héc ta và tổng mức đầu tư 500 triệu đô la Mỹ tại khu vực Mũi Du (xã Ninh Hải, huyện Ninh Hoà). Các hạng mục dự án gồm: đóng tàu container, tàu chở dầu cỡ lớn, chế tạo thiết bị khai thác và sản xuất dầu khí ngoài khơi, động cơ diesel thủy…
Chuẩn bị cho dự án, tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông. Tuy nhiên, STX xin gia hạn triển khai, do đang gặp khó khăn. Sau một thời gian gia hạn, tỉnh Khánh Hòa buộc phải thu hồi giấy phép dự án.
Dự án The AJ Vietstar 200 triệu USD ở Vũng Tàu
Dự án The AJ Vietstar do Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển AJ Vietstar (vốn đầu tư của Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho công ty AJ Vietstar triển khai dự án bất động sản trị giá 200 triệu USD tại TP. Vũng Tàu vào tháng 2/2009.
Tuy nhiên, vào tháng 8/2010, UBND tỉnh này đã ký quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH xây dựng và phát triển AJ Vietstar. Nguyên nhân rút giấy phép là do phía Hàn Quốc không đủ năng lực tài chính.
Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
Dự án này bị UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi giấy phép, nguyên nhân là do đã quá thời hạn (4/2010) nhưng Công ty TNHH Tập đoàn Bãi biển Rồng, đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa triển khai các bước thực hiện đầu tư như cam kết.
Trước đó, vào ngày 22/9/2009 UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH tập đoàn Bãi Biển Rồng với đối tác của Mỹ gồm Tano Capital LLC và Global C&D INC triển khai dự án với vốn đầu tư lên đến 4,15 tỷ USD. Dự án này được xem là dự án lớn nhất miền Trung.
Theo quy hoạch, dự án này sẽ thực hiện trên diện tích 400 ha gồm xây dựng khu công viên sát bãi biển, hệ thống khách sạn cao cấp có khu vui chơi giải trí có thưởng, 9 tổ hợp khách sạn, trung tâm hội nghị quốc tế 10.000 chỗ ngồi, trung tâm thương mại quốc tế, khu căn hộ và biệt thự cao cấp. Toàn bộ dự án sẽ được thực hiện từ năm 2010 và hoàn thành vào năm 2019.
Vào ngày 24/11/2010, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chủ đầu tư nộp bản gốc giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt các hoạt động liên quan đến dự án và chịu trách nhiệm về các khoản nợ, các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán theo quy định của pháp luật.
Một số dự án khác bị rút phép: Dự án du lịch sinh thái biển cao cấp Pegasus Fund của nhà đầu tư Mỹ; Dự án Khu du lịch Quê Việt của nhà đầu tư Canada của UBND tỉnh Quảng Nam…
Những dự án xin “hoãn binh”:
Dự án thép 9,8 tỷ USD ở khu Liên hợp thép Cà Ná Ninh Thuận
Dự án khu liên hợp thép Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận bao gồm khu liên hợp thép, nhà máy nhiệt điện và cảng biển với tổng diện tích dự kiến sử dụng cho cả 4 giai đoạn là 1.650 héc ta mặt đất và 330 héc ta mặt biển.có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9,8 tỉ đô la Mỹ có thể sẽ được thay thế nhà đầu tư khác vì nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của dự án chậm triển khai.
Đến thời điểm giữa năm 2010 mặc dù đã quá thời hạn đặt ra cho nhà đầu tư nước ngoài của dự án là công ty Maju Stabil SDN (thuộc tập đoàn Lion Group của Malaysia) về tiến độ triển khai thực hiện, thế nhưng, nhà đầu tư này vẫn không có nhiều động thái triển khai lại dự án sau thời gian dài trì hoãn.
Dự án thép 16 tỷ USD tại Vũng Áng - Hà Tĩnh
Với tổng qui mô đầu tư các giai đoạn lên tới 16 tỷ USD, dự án “Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương” nằm tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh của Tập đoàn Formosa- Đài Loan là dự án FDI khổng lồ nhất hiện nay. Sau hai năm kể từ ngày động thổ (6/7/2008), dự án vẫn chưa tiến triển nhiều do tỉnh chậm bàn giao mặt bằng.
Mới đây, để tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn cũng như dự phòng cho sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Formosa đã có văn bản gửi các Bộ, ngành để xin cơ chế đặc biệt.
Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương từng được coi là dự án FDI có tốc độ cấp phép nhanh kỷ lục, khi từ lúc được chấp thuận đến lúc cấp phép chỉ trong vòng 3 tháng. (từ tháng 3 đến tháng 6/2008).
Dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất, Quảng Ngãi
Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2006 nhưng do nhiều nguyên nhân nên dự án chuyển tới 4 chủ đầu tư khác nhau và cho tới nay vẫn chưa có sản phẩm. Theo nguyên tác điều chỉnh công suất, dự án thép Guang Lian Dung Quất sẽ từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn/năm trong đó giai đoạn 1 là 3,5 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 lên tới 7 triệu tấn/năm với diện tích 478 héc ta.
Theo Hiền Lương
Tầm nhìn