Những ông chủ Trung Quốc ở châu Phi: Ván bài dầu khí Angola

Năm 2010, Trung Quốc cho Angola vay hơn 25 tỉ USD, tức hơn 1/4 tổng số tín dụng của Trung Quốc dành cho hơn 20 nước châu Phi. Đổi lại, Trung Quốc được hoàn trả bằng dầu thô và khí đốt với giá dưới mức thị trường thế giới

Sau khi soán ngôi quán quân sản xuất dầu thô của Nigeria,  năm 2010, Angola trở thành nước châu Phi nhận được vốn đầu tư lớn nhất của Trung Quốc, đồng thời cũng nhận được lực lượng lao động nước ngoài lớn nhất là người Trung Quốc.

 

40% dầu thô
40% dầu thô Angola thuộc về Trung Quốc

 

“Chọn mặt” Trung Quốc “gửi vàng đen”

 

Trên bán nguyệt san Mỹ Guernica, Jim - một doanh nhân ngành dầu khí Mỹ làm ăn lâu năm ở châu Phi - đã kể lại việc ông chứng kiến người Trung Quốc đến Angola để tìm dầu khí như thế nào.

 

Một “thầy cai” Trung Quốc ở
Một “thầy cai” Trung Quốc ở Angola

 

Sau 27 năm nội chiến tương tàn, Angola có được một hiệp ước đình chiến năm 2003. Lập tức, Angola chọn Trung Quốc làm đối tác tái thiết đất nước. Sở dĩ Angola “chọn mặt” Trung Quốc “gửi vàng đen” bởi vì nước này sẵn sàng mở hầu bao viện trợ và cho vay với lãi suất thấp mà không kèm theo những điều kiện ngặt nghèo như phải trong sạch hóa chính phủ, mở rộng dân chủ, tôn trọng nhân quyền như các nước phương Tây hay đòi hỏi.

 

Khởi đầu từ 2 tỉ USD năm 2004, Trung Quốc mau chóng tăng lên hơn  25 tỉ USD năm 2010. Nhật báo China Daily cho biết Trung Quốc hiện đang nhập khẩu 40% dầu thô Angola, chiếm 16% khối lượng nhập khẩu dầu Trung Quốc. Giá cả dầu thô Angola xuất khẩu sang Trung Quốc không được tiết lộ nhưng theo nguồn tin của tờ The Guardian (Anh) thì chỉ vào khoảng 60 USD/thùng, rẻ hơn nhiều so với giá thị trường thế giới.

 

Viện trợ và tín dụng Trung Quốc đã góp phần làm thay đổi đáng kể nền kinh tế và hạ tầng cơ sở của Angola. Tăng trưởng kinh tế từ năm 2002 đến 2008 của nước này trung bình 15%. Năm nay, do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, GDP của Angola được dự báo đạt từ 8% đến 10%. Trung Quốc không chỉ đầu tư vào dầu khí mà còn chiếm lĩnh cả ngành xây dựng và khai thác khoáng sản ở Angola.

 

Viện trợ và tín dụng Trung Quốc không kèm ràng buộc theo kiểu các nước phương Tây và các tổ chức tín dụng quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, nó vẫn có điều kiện ngầm theo kiểu “có đi phải có lại”, như Angola phải dành 70% dự án phát triển kinh tế cho các công ty Trung Quốc. Nhiều rắc rối xã hội bắt đầu từ đây.

 

Lâu nay, người dân Angola rất bất bình về chuyện các công ty Trung Quốc không dùng lao động tại chỗ mà nhập khẩu lao động Trung Quốc với số lượng lớn. Năm 2010, trong khi Chính phủ Angola chính thức thừa nhận có chừng 70.000 lao động Trung Quốc thì các tổ chức xã hội như OSISA (Sáng kiến Xã hội Mở ở miền Nam châu Phi) ước tính không dưới 300.000 người. Những người này không chỉ hoạt động trong các công ty Trung Quốc mà còn kinh doanh trên vỉa hè các thành phố lớn, đánh bạt  hàng ngàn người buôn gánh bán bưng địa phương.

 

Sẵn sàng chết ở châu Phi

 

Ông Jim đã gặp một  cán bộ Trung Quốc khoảng 50 tuổi ngồi ăn mì và nhâm nhi bia Trung Quốc tại một quán ăn bình dân ở Luanda, thủ đô Angola. Trong lúc hàn huyên, ông Jim có nhắc đến  một vụ nổ trong  lòng mỏ ở Angola làm một công nhân Trung Quốc chết thảm. Nhận xét của vị cán bộ Trung Quốc làm doanh nhân người Mỹ hơi bất ngờ nhưng không quá khó hiểu.

 

“Người Trung Quốc sẵn sàng chết ở châu Phi. Họ hạnh phúc được chết ở đây, họ không sợ tai nạn mỏ  bởi vì  họ biết vợ con họ sẽ nhận được tiền bồi thường xứng đáng” - cán bộ Trung Quốc nói.

 

Theo vị cán bộ này, lao động Trung Quốc đến từ mọi miền đất nước Trung Hoa vốn là nông dân nghèo khó, học hành lơ mơ, việc làm rất khó kiếm chứ đừng nói gì đến cơ hội thăng tiến trong xã hội. Họ biết rõ đồng tiền quan trọng như thế nào bởi ở quê họ, những kẻ có quyền đều là người có tiền và ngược lại.  Họ chết đi nhưng người thân của họ được tiền. Thế là mãn nguyện. Người ta hỏa táng xác người thợ, tro cốt chuyển về quê nhà cho vợ con hoặc người thân. Những người này sẽ nhận được khoảng 300.000 nhân dân tệ (1 NDT = 3.283 đồng), cả một gia tài đối với nông dân Trung Quốc.

 

Phần lớn lao động Angola ở các công ty Trung Quốc, theo ông Jim,  chỉ được giao những công việc cực nhọc và nguy hiểm dưới quyền giám sát của “thầy cai” Trung Quốc. Người Angola than phiền hầu hết “thầy cai” rất khó chịu, hay la mắng và chỉ biết nói 2 tiếng Bồ Đào Nha là “cava, cava”, tức là “đào đi, đào đi” và “rapido, rapido”, tức là “nhanh lên, nhanh lên”.

 

“Giám sát viên” - chức danh chính thức của các “thầy cai” Trung Quốc - thì như thế, còn các nhà quản lý cao cấp sống như thế nào? Ông Jim đã gặp một vị giám đốc điều hành công ty xây dựng Giang Tô Trung Quốc tên Hạ Nhất Hoa đến từ Bắc Kinh. Công ty của ông này nhận thầu xây dựng một khách sạn ở Baya Falte và học viện cảnh sát  ở Baya Azul. Ông này luôn miệng than thiếu thợ Trung Quốc.

 

Nhà ông Hoa có một bộ bàn ghế làm bằng gỗ quý Angola nhưng do thợ Trung Quốc đóng. Thức ăn của ông cũng được công ty chở từ Bắc Kinh sang. Tuy nhiên, ông bị cấm lấy vợ bé hay quan hệ tình dục với người địa phương, nếu vi phạm “sẽ bị đuổi ngay”.

 

Theo Nguyễn Cao

NLĐ